Phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung

ĐBP - Với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, những năm qua, tỉnh ta đẩy mạnh phát triển các vùng cây ăn quả thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất. Hiện nay, nhiều địa phương xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

Người dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên) chăm sóc vườn cây ăn quả.

Theo số liệu thống kê, rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 3.036ha cây ăn quả, diện tích cho thu hoạch là 1.945ha, sản lượng ước đạt 19.905 tấn. Trước năm 2018, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của gia đình và bán quả tươi cho thị trường tiêu dùng trong tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, tại các địa phương đã bắt đầu hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Dứa, chanh leo, cam, bưởi, xoài. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 976ha cây ăn quả trồng tập trung, chiếm 34,5% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Những diện tích này có sự liên kết giữa người dân với hợp tác xã, người dân với doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp, chủ trang trại tự đầu tư sản xuất nên đã quan tâm nhiều hơn về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác.

Ông Phạm Đình Lai, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Việc phát triển cây ăn quả trong thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Một số huyện, xã đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả, bước đầu thu được kết quả khả quan. Tại các địa phương đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung cho năng suất cao, bước đầu hình thành một số liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Nhiều giống chất lượng tốt được đưa vào, gieo trồng giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác được nâng lên kéo theo đó thu nhập, đời sống nông dân cũng tăng so với trước đây.

Thuộc quy hoạch phát triển cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh, từ năm 2018 đến nay, huyện Tuần Giáo đã phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển cây ăn quả. Chính quyền tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế các loại cây trồng truyền thống, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Hiện nay, huyện Tuần Giáo đã có gần 500ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 200ha trồng tập trung theo hướng liên kết sản xuất. Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: UBND huyện chủ trương triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây ăn quả tại một số xã có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi như: Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở, Pú Nhung, Rạng Đông. Từ đó hình thành vùng cây ăn quả tập trung, hàng hóa, từng bước thay đổi tư duy canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Đơn cử như tại 2 xã: Rạng Đông, Pú Nhung, nếu như trước đây người dân 2 xã này chỉ trung thành với cây ngô, thì nay, một phần diện tích ngô kém hiệu quả đã được chuyển đổi trồng các loại cây ăn qua như xoài và bưởi da xanh. Đến nay, 2 xã đã có 50ha cây ăn quả tập trung, một số diện tích đã cho thu hoạch bói, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần trồng ngô. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuần Giáo nhiệm kỳ 2020 - 2025, giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện tiếp tục vận động, khuyến khích người dân; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển thêm 500ha cây ăn quả tập trung, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên khoảng 1.000ha.

Giai đoạn 2018 - 2020, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương thì sự quan tâm của tỉnh, các ngành cũng đã hỗ trợ rất lớn cho người dân, doanh nghiệp triển khai các mô hình, dự án trồng cây ăn quả. Tỉnh ta đã sử dụng linh hoạt các nguồn vốn, chính sách của Trung ương và địa phương để thực hiện hỗ trợ phát triển 1.244ha cây ăn quả, với tổng kinh phí 78,567 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án, mô hình cây ăn quả phát triển tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, bước đầu cho năng suất, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Điển hình như, mô hình trồng xoài Đài Loan thực hiện tại huyện 9 huyện, thị xã với tổng diện tích 399ha, kinh phí hỗ trợ 26 tỷ đồng. Đến nay, một số diện tích đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 68 tạ/ha, lợi nhuận ban đầu ước đạt 37 triệu đồng/ha. Hoặc như mô hình trồng bưởi da xanh tại 7 huyện (trừ huyện Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Tủa Chùa) với tổng diện tích 251ha, kinh phí hỗ trợ 28,298 tỷ đồng. Một số diện tích đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 100 tạ/ha, lợi nhuận ước đạt 213 triệu đồng/ha.

Tham gia các dự án liên kết trồng cây ăn quả, gia đình ông Nguyễn Văn Du, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) đã có 2ha bưởi da xanh. Năm 2020, vườn cây ăn quả cho lứa quả ngọt đầu tiên với khoảng 10.000 quả, thu nhập trên 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Du cho biết: Các dự án liên kết sản xuất, người dân được cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp hỗ trợ rất nhiều từ giống cây trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, không phải lo lắng về việc tiêu thụ sản phẩm. Đến mùa thu hoạch, doanh nghiệp về tận xã, tận vườn để thu mua.

Phát triển cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa là nội dung quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Với những tín hiệu lạc quan, hiệu quả bước đầu, thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng với các địa phương, người dân, doanh nghiệp để phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả chất lượng cao, giúp thay đổi tư duy sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/192714/phat-trien-cay-an-qua-theo-huong-tap-trung