Phát triển cây bản địa, tạo giá trị cao từ rừng
Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ của rừng với tỷ lệ che phủ trên 65%, Tuyên Quang hướng đến sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững. Không chỉ phát triển lâm nghiệp từ những cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, tỉnh đang quan tâm phát triển diện tích trồng cây bản địa đa tác dụng.
Hiệu quả kinh tế cao từ cây bản địa
Phong trào phát triển kinh tế từ trồng rừng đang phát triển ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh, các cây được trồng chủ yếu là keo, bồ đề, mỡ, bạch đàn… Tuy nhiên, tại một số địa phương điều kiện thổ nhưỡng không thích hợp trồng các cây lâm nghiệp này. Do vậy trồng cây bản địa là hướng đi mà các địa phương hướng đến nhằm tạo thu nhập cho người dân.
Khi chưa mấy người quan tâm đến cây sưa thì một số hộ dân tại xã Kháng Nhật (Sơn Dương) đã trồng cây sưa thành rừng trên đất lâm nghiệp, nhờ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Minh Hải, thôn Đoàn Kết, xã Kháng Nhật trồng 3 ha cây sưa từ năm 2005. Theo ông Hải, từ năm 2015 đến nay, gia đình đã bán tỉa những cây sưa to và thu về hơn 2 tỷ đồng, hiện gia đình vẫn còn một chút “của để dành” là gần 100 cây sưa trên 17 năm tuổi. Ngay kế bên hộ ông Hải là hộ ông Trần Đức Hiền cũng có nguồn thu khá từ trồng cây bản địa. Ông Hiền chia sẻ: “Năm 2005, tôi trồng 250 cây sưa và 20 cây trám trên đồi sau nhà. Đến nay, từ việc bán cây sưa và thu hoạch 600 kg quả trám, mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình tôi tiếp tục trồng thêm 100 cây trám đen trên vườn đồi”.
Theo chủ trương phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, xã Tri Phú (Chiêm Hóa vận động người dân phát triển kinh tế từ cây lâm nghiệp chất lượng cao. Tuy nhiên tại một số thôn người dân đã trồng thử các loại cây như: keo, mỡ, bạch đàn nhưng không hiệu quả. Đồng chí Ma Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phú cho biết, ban đầu cây keo mới trồng phát triển tốt, tuy nhiên chỉ một vài năm sau, cây bị bệnh chết hàng loạt. Một vài người dân cũng đã trồng thử cây mỡ nhưng không phát triển được. Theo thống kê, xã Tri Phú có 400 ha đất đồi không phù hợp với cây keo, do vậy xã đã vận động nhân dân chuyển sang trồng cây bản địa phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao như: lát, tre lấy măng và xoan. Hiện nay, xã có 220 ha lát, còn lại là xoan và tre.
Người dân thôn Bản Tát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) trồng tre trinh thành rừng để phát triển kinh tế.
Bà Vũ Thị Sinh, thôn Bản Tát, xã Tri Phú cho biết, đất trong thôn không trồng được các cây lâm nghiệp nhập ngoại, người dân bảo nhau trồng rừng thay thế bằng cây tre trinh, đây là cây bản địa đa dụng có thể lấy được củ và thân cây. Từ năm 2007, gia đình bà đã trồng cây tre trinh trên 6 ha đất lâm nghiệp, sau 3 năm tre trinh phát triển thành lũy và cho thu măng; hiện mỗi năm gia đình thu 20 tấn măng. Ngoài ra với việc bán tỉa những thân cây tre trinh già và những năm gần đây một số nơi thu mua lá nên gia đình cũng có thêm nguồn thu. Mỗi năm gia đình bà thu lãi 200 triệu đồng từ cây tre trinh.
Hiện nay trên địa bàn thôn Bản Tát có hơn 50 hộ có nguồn thu từ cây tre trinh với tổng diện tích hơn 100 ha, cây bản địa này đang trở thành cây phát triển kinh tế, làm giàu của người dân thôn Bản Tát.
Việc phát triển trồng cây bản địa mang lại nhiều lợi ích như tạo ra ý thức và trách nhiệm trong phát triển rừng bền vững trong cộng đồng, góp phần duy trì và phát huy nguồn giống cây quý của địa phương.
Tạo giá trị bền vững
Với hệ sinh thái đa dạng, Tuyên Quang có nhiều loại cây trồng có nguồn gốc bản địa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Mặt khác việc bảo vệ và phát triển vốn rừng, trong đó có cây bản địa góp phần hạn chế được nhiều loại hình thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn, tạo cảnh quan thiên nhiên.
Để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái trên địa bàn, năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các địa phương, triển khai Đề tài “Nghiên cứu khôi phục, bảo tồn cây lim xẹt hoa vàng và cây lôi khoai lá đỏ tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình” với diện tích 3 ha, trồng tại khu vực thác Bản Ba (Chiêm Hóa); thác Khuổi Nhi, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) và khu Phiêng Bung, xã Năng Khả (Na Hang), đây là những loài cây bản địa đa tác dụng, vừa lấy gỗ, vừa là cây dược liệu, tạo cảnh quan môi trường…
Đồng chí Kim Ngọc Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa đã tiến hành ươm nuôi và trồng thử nghiệm cây lim xẹt hoa vàng và cây lôi khoai lá đỏ từ tháng 11-2020. Đến nay cây phát triển tốt, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%. Việc thành công của đề tài góp phần phát triển và nhân rộng diện tích cây trồng bản địa đa dụng này nhằm tạo cảnh quan thiên nhiên phát triển du lịch.
Để khuyến khích người dân trồng nhân rộng một số cây trồng bản địa, từ Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về Chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, trong đó năm 2022 tỉnh hỗ trợ giống 3 loại cây bản địa gồm: dổi, trám, sấu. Đến nay, đã có 35,3 ha với hơn 17.550 cây giống được hỗ trợ cho người dân.
Việc hỗ trợ, vận động người dân trồng cây bản địa là một cách làm đúng, phù hợp điều kiện thực tế mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Qua đó, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh cũng như tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, tạo điều kiện đầu tư phát triển du lịch sinh thái.