Phát triển đô thị bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 17/7, tại Hậu Giang diễn ra Hội thảo 'Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long', do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Theo Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, đây là hội thảo chuyên đề thứ 3, trong chuỗi 4 hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương cùng Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp và các đô thị đại diện cho các vùng miền núi, miền biển và khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.

Hoạt động này nhằm góp phần triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 148-NQ/CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Để triển khai các định hướng của Nghị quyết 06 và các nghị quyết, chiến lược liên quan, một trong những yêu cầu quan trọng là phải tích hợp được các yêu cầu về khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch phát triển đô thị.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long; Hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội; tài nguyên thiên nhiên, môi trường; hệ thống đô thị, nông thôn; kết cấu hạ tầng; liên kết nội vùng, liên kết vùng với khu vực và quốc tế; Các nguồn lực của vùng đã và đang được khai thác, các tiềm năng chưa được khai thác; các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng; vị thế, vai trò của vùng đối với quốc gia; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.

Các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch và phát triển bền vững đô thị và mở ra khả năng học hỏi, áp dụng cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Theo đại diện Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam, việc áp dụng trong quản lý đô thị không gian công cộng cần quan tâm các công trình hạ tầng, đường giao thông, đường vào phải nằm ở cao độ mặt đất tự nhiên để không cản trở dòng chảy của lũ và không làm thay đổi vành đai lộ thiên.

Tuy nhiên, việc xây dựng đường công cộng cao hơn cao độ của địa hình tự nhiên được cho phép khi cần thiết để đảm bảo bảo vệ tài sản và con người.

Nguyên tắc chung của phát triển đô thị chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu là phải đi kèm với phương án dự phòng các rủi ro trong tương lai do triều cường cộng với tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời tính đến rủi ro trong các dự án tương lai, tuân thủ các quy định về dự phòng rủi ro có tính đến biến đổi khí hậu như phạm vi, mực nước, tính chất của dự án.

Việt Nam được cảnh báo là 23/30 quốc gia chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu. Và đồng bằng sông Cửu Long được cảnh báo là 1/3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất thế giới.

Theo dự báo, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5-1m vào cuối thế kỷ XXI (0,47m/năm). Do đó, nếu không có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thì 35% dân số vùng đồng bằng sông Cửu Long với trên 10% diện tích chịu ảnh hưởng.

Do đó, qua Hội thảo này giúp các địa phương trong vùng hiểu rõ hơn về chính sách quản lý rủi ro thiên tai và việc lồng ghép các chính sách này vào quy hoạch và phát triển lãnh thổ ở Pháp.

Trao đổi về các thực hành cấp địa phương của vùng, từ quy hoạch đến phát triển dự án dựa trên các kinh nghiệm của các địa phương, các chuyên gia; tăng cường nhận thức về văn hóa rủi ro và các thực hành có tính đổi mới trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-do-thi-ben-vung-vung-dong-bang-song-cuu-long-post762841.html