Phát triển du lịch văn hóa góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội

Du lịch văn hóa là một trong hai hình thức quan trọng của ngành du lịch, dựa trên các giá trị văn hóa, tạo các thành sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội và góp phần bảo tồn văn hóa. Trong những năm gần đây, du lịch văn hóa đã được quan tâm và chú trọng phát triển ở nước ta. Tuy nhiên sự phát triển này đã tương xứng với tiềm năng vốn có của du lịch văn hóa ở nước ta hay chưa và chúng ta phải làm gì để phát huy tiềm năng, khai thác trên cơ sở nguồn tài sản quý giá mà chúng ta đang có, xin mời quý vị hãy cùng gặp gỡ với BTV Thu Hằng để cùng tìm hiểu về vấn đề này.

Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta hiện nay. Trong đó, du lịch văn hóa đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói của Việt Nam. Quý vị hãy cùng chúng tôi nhìn lại giá trị và tiềm năng của văn hóa trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, các giá trị văn hóa Việt Nam đã được lan tỏa, bạn bè thế giới ghi nhận; trở thành một phần trong kho tàng văn hóa nhân loại. Các giá trị văn hóa không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam mà đã trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển.

Với khoảng 44.000 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó 3000 di sản thuộc cấp quốc gia, 5000 di sản thuộc cấp tỉnh , 8 di sản văn hóa vật thể, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu được UNESCO công nhận là di sản thế giới, cùng bề dày lịch sử hơn 4000 năm, với 54 dân tộc anh em có phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng đa dạng, khác nhau,… Việt Nam có nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú, độc đáo, là nguồn lực để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển

Trong thời gian qua, các địa phương khu vực Tây Bắc, điển hình như Lào Cai đã nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ những nét đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, những hoạt động khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa như: Nghi lễ Then của người Tày; Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ; Lễ hội Gầu tào; Lễ hội hát qua làng người Dao Tuyển; múa Xòe người Tày ở Bắc Hà. Đặc biệt là lễ hội đền Bảo Hà là Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách thập phương

Sự kỳ vọng vào phát triển du lịch văn hóa không phải không có cơ sở bởi Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú và du lịch tìm hiểu văn hóa bản xứ đang được xác định là xu hướng được yêu thích của nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài. Thời gian qua, nhiều địa phương đã khai thác di sản văn hóa, những sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu, thu hút du khách như Hà Nội, Ninh Bình, Huế… Phát triển du lịch văn hóa vô cùng cần thiết, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, việc khai thác các di sản văn hóa để trở thành tài nguyên du lịch hiện nay vẫn đang còn rất khiêm tốn và cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phat-trien-du-lich-van-hoa-gop-phan-tang-truong-kinh-te-xa-hoi-210517.htm