Phát triển hài hòa, có trách nhiệm với thiên nhiên

Lũ dữ 'gầm thét' tràn qua bản Sa Ná cuốn phăng nhà cửa, chuồng trại của bà con, để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mưa lớn ở các tỉnh Tây Nguyên gieo tai họa xuống một vùng rộng lớn Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Phước… Người chết, nhà trôi…, hàng nghìn người phải di dời, sơ tán.

Lũ từ thượng nguồn đổ sầm sập vào đêm, nước sông dâng nhanh, nhiều người dân huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai không kịp di chuyển tài sản, não lòng nhìn của nả tích cóp bao năm chìm trong cơn hồng thủy. "Đảo ngọc" Phú Quốc bốn bề biển xanh, bất ngờ bị hứng mưa hơn 1.000 mm trong vòng 1 tuần, rơi vào cảnh ngập lụt chưa từng có…

Và nữa, theo những ghi nhận của Tổ chức Khí tượng thế giới, nhân loại đang trải qua những ngày tồi tệ nhất. Nắng nóng “thiêu đốt” nước Mỹ. Lục địa già nổi tiếng với khí hậu ôn hòa liên tiếp hứng chịu những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt phá mọi kỷ lục trong lịch sử. Và ngày cuối cùng của tháng 7 vừa qua được ghi nhận là ngày tồi tệ nhất với thềm băng Greenland, khi 11 tỷ tấn băng hòa vào nước biển. “Greenland đang bốc cháy”, quá trình băng tan sẽ diễn ra nhanh hơn mọi dự đoán, đồng nghĩa với những cơn bão mạnh và tình trạng ngập lụt kéo dài.

Mẹ thiên nhiên đang nổi giận!

Những hiện tượng bất thường này càng khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về công tác bảo vệ môi trường, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra vô cùng phức tạp. Và từ nhiều năm trước, giới khoa học đã nhận định: Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tích cực, đi đầu tham gia ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trước đó, nhận diện rõ những nguy cơ, thách thức đã và đang đến, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 3-6-2013), trong đó nhấn mạnh: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước…”.

Nghị quyết cũng chỉ rõ: “Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên…”; đồng thời đưa ra một nội hàm mới: “Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên. Hình thành các thiết chế văn hóa, đạo đức môi trường trong xã hội…”.

Với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực bị tác động, ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, ngày 17-11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó nêu rõ cần chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, bảo đảm phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất nỗ lực trong chỉ đạo thực hiện việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hướng tới mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và chung tay cùng thế giới bảo vệ ngôi nhà chung - trái đất. Thực tế cũng cho thấy, tư duy xanh, lối sống xanh, hành động xanh đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người Việt.

Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận, do tầm nhìn ngắn hạn và lòng tham của con người rừng vẫn bị phá, quản lý khai thác tài nguyên còn hạn chế và quy hoạch phát triển thiếu đồng bộ, quá "nóng"… đã góp phần gây ra hậu quả không thể đo đếm. Nhiều người ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh thành phố mộng mơ Đà Lạt, "đảo ngọc" Phú Quốc ngập trong bể nước.

Nhưng cũng không ít người, nhất là giới chuyên gia chẳng ngạc nhiên trước tình cảnh trên, bởi lẽ, sự phát triển quá nhanh, khách du lịch quá đông, đương nhiên kéo theo hạ tầng, nhà hàng, khách sạn mọc lên để đáp ứng. Như vậy, bê tông, cốt thép sẽ ồ ạt thế chỗ những cánh rừng, ao hồ và cả hệ thống sông tiêu thoát... có tác dụng chống lũ, xả lũ khiến nước dồn về nhanh hơn và... ngập lụt cũng nhanh hơn, khủng khiếp hơn.

Hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm và hệ lụy của nó một lần nữa nhắc nhở: Đã đến lúc sống và học sống hài hòa cùng thiên nhiên, đã đến lúc cần có một tầm nhìn mới, tư duy mới và hành động mới về bảo vệ môi trường, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội tổng thể, cục bộ hài hòa với thiên nhiên.

Và những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, các thiết chế về văn hóa, đạo đức môi trường sẽ là nền tảng của tư duy, định hướng những giải pháp, căn chỉnh các hành vi… để mỗi người đều phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ ngôi nhà chung trái đất, bảo vệ nguồn sống của chính mình qua từng hành động, việc làm cụ thể, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, ven biển, hải đảo.

Đó là tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng; quy hoạch, phát triển hạ tầng hài hòa với thiên nhiên; duy trì lối sống xanh, tiết kiệm năng lượng, nói không với đồ nhựa sử dụng một lần,...

Bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xã hội có trách nhiệm với thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên chính là giải pháp bảo vệ cộng đồng và cuộc sống của mỗi chúng ta hiệu quả, bền vững nhất.

Thế Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/942486/phat-trien-hai-hoa-co-trach-nhiem-voi-thien-nhien