Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông xứng với vị thế, tiềm năng của Thủ đô

Trong những năm qua, mặc dù hạ tầng giao thông Hà Nội đã có bước chuyển biến tích cực, song những kết quả đó vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện; ùn tắc giao thông vẫn là thách thức lớn, vận tải công cộng vẫn chỉ có loại hình xe buýt là chủ đạo, chưa có đường sắt đô thị...

Trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2020-2025), Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Hà đã chia sẻ về những giải pháp nhằm thay đổi “diện mạo” giao thông Thủ đô.

Đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang được tập trung triển khai. Ảnh: Tuấn Lương

Vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Hà, trong những năm qua, hàng loạt công trình giao thông do trung ương đầu tư đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, như: Cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, đường Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Việt Trì - Ba Vì…, từ đó đã tạo điều kiện để Hà Nội chủ động đầu tư kết nối với hệ thống giao thông địa phương.

Cùng với đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt nên nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được hoàn thành như: Đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng (nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - đường Thanh Niên…).

Sự đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông và mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã góp phần kéo các vùng xa về gần lại với thành phố, từ đó tạo điều kiện phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa và điều kiện tự nhiên sẵn có, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, những thành quả đạt được mới chỉ là bước đầu, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của Thủ đô. Ùn tắc giao thông vẫn là thách thức lớn, khả năng kết nối giao thông liên vùng còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông Thủ đô ngày càng được nâng lên. Ảnh: Tuấn Lương

Hình thành mạng lưới giao thông để tăng cường kết nối

Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu thành phố tập trung giải quyết một số yêu cầu về đầu tư để hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông nhằm kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh, cũng như kết nối Hà Nội với các địa phương thuộc vùng Thủ đô.

Các công trình cần quan tâm đầu tư bao gồm: Các tuyến đường hướng tâm, trục chính đô thị; các đường vành đai; hệ thống cầu vượt sông (cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường Vành đai 4; cầu Ngọc Hồi trên tuyến Vành đai 3,5 và cầu Đuống 2 trên quốc lộ 1A cũ)…

Trong đó, tuyến Vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi được hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tập trung hoàn thành đầu tư mạng lưới giao thông của 5 huyện theo đề án lên quận; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm các tuyến đường sắt đô thị khác...

Cũng theo ông Vũ Hà, khối lượng các công trình hạ tầng giao thông theo quy hoạch cần triển khai là rất lớn, tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho giao thông không chỉ đơn thuần là nguồn lực tài chính, mà còn có nhiều yếu tố khác, như vấn đề kinh tế, xã hội, con người, điều kiện tự nhiên… Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, từ đó sẽ phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa và điều kiện tự nhiên… của những khu vực đã được đầu tư, tạo nên giá trị, nguồn lực mới để tái đầu tư các công trình giao thông khác.

Thứ hai, phân công trách nhiệm và phối hợp đồng bộ, bảo đảm tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giữa thành phố Hà Nội với cơ quan trung ương cũng như các tỉnh lân cận...

Thứ ba, khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai của thành phố. Cụ thể là rà soát các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan, đơn vị và các quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai dự án đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) để chủ động lập quy hoạch tổ chức đấu giá tạo nguồn thu; phát huy, tận dụng tối đa nội lực của các địa phương thông qua việc giao cho các địa phương chủ động xây dựng phương án và tổ chức đấu giá đất hai bên các tuyến đường mở mới để tạo nguồn vốn tái đầu tư cho giao thông của địa phương. Xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) để khai thác quỹ đất tại các nhà ga đường sắt đô thị, tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành sau này.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế, chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng; hoàn thiện các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định; tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn đầu tư...

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/980322/phat-trien-he-thong-ha-tang-giao-thong-xung-voi-vi-the-tiem-nang-cua-thu-do