Phát triển Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động

Chiều 19-9, đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang chủ trì hội nghị nghe báo cáo tình hình tiếp thu ý kiến góp ý và hoàn thiện các phương án tích hợp quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng hình thức trực tuyến.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, đến ngày 25-8-2022, sở đã nhận 23 văn bản góp ý của các bộ, ngành và địa phương. Các ý kiến được Liên danh tư vấn nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện vào dự thảo quy hoạch gồm: Việc đảm bảo sự phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch; bám sát khung định hướng chiến lược đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất xác định các đột phá mang tính khác biệt, đặc thù; việc liên kết phát triển giữa các vùng và liên vùng; làm rõ về định hướng và giải pháp phát triển kinh tế biển…

Liên danh tư vấn đã nghiên cứu và đề xuất giữ lại phương án phân 4 vùng kinh tế như trước đây, tuy nhiên, có sự lồng ghép, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng trong phát triển kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang. Các vấn đề Liên danh tư vấn đề xuất không đưa vào quy hoạch tỉnh gồm vấn đề an ninh nước và cụm ngành hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh (bìa trái) - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á trực thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các chuyên gia bên lề hội nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh (bìa trái) - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á trực thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các chuyên gia bên lề hội nghị.

Qua tiếp thu ý kiến đóng góp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang ghi nhận 80 ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, 33 ý kiến đóng góp của 12 tỉnh trong vùng. Đa số các địa phương thống nhất với dự thảo quy hoạch, các ý kiến góp ý tập trung ở nội dung phương hướng phát triển và giải pháp liên kết giữa các tỉnh trong vùng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cũng ghi nhận 33 ý kiến góp ý của 9 sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Đa số các ý kiến góp ý đều được đơn vị tư vấn lập quy hoạch tiếp thu và hoàn thiện vào quy hoạch tỉnh.

Đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang chủ trì hội nghị nghe báo cáo tình hình tiếp thu ý kiến góp ý và hoàn thiện các phương án tích hợp quy hoạch tỉnh Kiên Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh, đến năm 2050, Kiên Giang trở thành một trong những nơi cung cấp chất lượng sống cao ở khu vực Tây Nam bộ, là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ, là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu với hệ thống đô thị hiện đại tập trung ở các trung tâm hành chính ven biển và các đảo. Rạch Giá trở thành thành phố thương mại dịch vụ xanh, Hà Tiên là thành phố di sản, Phú Quốc là một trung tâm thương mại dịch vụ và du lịch sinh thái biển đảo đẳng cấp quốc tế.

Nền kinh tế tỉnh dựa vào ba trụ cột chính: Các nhà đầu tư hàng đầu về du lịch, thương mại, bất động sản, công nghệ thông tin, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; tầng lớp cư dân có kỹ năng, có tinh thần kinh doanh và có văn hóa cao; bộ máy quản trị địa phương có tính năng động và hiệu quả.

Bốn đột phá của Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, gồm: Hình thành khu kinh tế biển phía Tây; phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù; chuyển đổi số; lấn biển sáng tạo.

Bản đồ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện của Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, các chuyên gia, đại diện lãnh đạo một số huyện đề nghị bổ sung vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng nuôi chim yến, quy hoạch các điểm kết nối quốc lộ 80 và hành lang ven biển Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Lương; quy hoạch du lịch sinh thái dưới tán rừng phòng hộ ven biển.

Có ý kiến đề nghị đơn vị tư vấn đánh giá thêm vị trí địa lý của huyện Châu Thành để khai thác lợi thế là nút giao thông của tỉnh về đường bộ và đường thủy, khai thác triệt để cảng cá Tắc Cậu; có định hướng quy hoạch hệ thống lưới điện trên địa bàn TP. Rạch Giá cũng như quy hoạch các trục đường ngang kết nối vào tuyến cao tốc…

Mô hình nuôi cá trên biển theo quy mô công nghiệp bằng công nghệ Na Uy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Trấn Phú.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lâm Minh Thành cho rằng, qua nhiều lần góp ý, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho quy hoạch tỉnh đã đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra. Đồng chí Lâm Minh Thành đề nghị Liên danh tư vấn làm rõ các nhóm nhiệm vụ giải pháp, cụ thể là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực phải đảm bảo tính khả thi; nghiên cứu về liên kết vùng, hạ tầng, quy hoạch phải thể hiện được tính chủ động trong kết nối nội vùng.

Các sở, ngành, địa phương rà soát lần nữa để có đề xuất, đóng góp bằng văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang tổng hợp trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuối tháng 9-2022.

Đồng chí Lâm Minh Thành mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục góp ý để hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin và ảnh:ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//trong-tinh/phat-trien-kien-giang-tro-thanh-diem-den-hap-dan-cho-doanh-nghiep-va-lao-dong-10798.html