Phát triển kinh tế lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Yên Lập lớn, là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội, điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có ý nghĩa quan trọng để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế, ổn định cuộc sống, phát triển bền vững từ rừng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND huyện Yên Lập đã ban hành văn bản về việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt trồng cây dược liệu là cây khôi tía. Để thực hiện tốt dự án, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã chủ động bám sát chỉ đạo của huyện, cụ thể hóa thành các kế hoạch, chỉ tiêu, mục tiêu của đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu đã đề ra. Huyện giao Phòng NN&PTNT triển khai kế hoạch trồng cây khôi tía ở 5 xã: Đồng Thịnh, Phúc Khánh, Ngọc Đồng, Minh Hòa, Đồng Lạc với diện tích trên 30ha, tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Người dân tham gia dự án được hỗ trợ cây giống, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng trong công tác trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đến nay, các hộ dân đã được nhận cây giống và đang tiến hành trồng.
Bước vào thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đảng ủy, UBND xã Phúc Khánh xác định những nội dung liên quan đến tạo sinh kế, nâng cao đời sống Nhân dân được ưu tiên làm trước. Từ tiềm năng, lợi thế của địa phương về cây dược liệu, với sự phối hợp của các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, mô hình phát triển cây khôi tía được xây dựng trên diện tích 6ha, 44 hộ tham gia. Các hộ được tham quan, tập huấn, nhận cây giống, phân bón, khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng và sau khi thu hoạch được bao tiêu sản phẩm.
Bà Lê Thị Huyền ở khu Vông là một trong những hộ được nhận trồng cây khôi tía từ dự án cho biết: "Việc đưa các loại dược liệu quý về trồng như cây khôi tía theo dự án hỗ trợ sản xuất là điều mà người dân chúng tôi mong muốn. Trên diện tích đất vườn gần 3.000m2 gia đình tôi trồng toàn bộ cây khôi tía. Với sự hướng dẫn cán bộ phòng chuyên môn của huyện, đơn vị bao tiêu sản phẩm, hiện cây khôi tía đã được gia đình nhận về và đang thực hiện trồng".
Thực hiện chủ trương của huyện, UBND các xã được hỗ trợ từ dự án đã xây dựng, ban hành kế hoạch trồng cây dược liệu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, xác định mục tiêu trọng tâm để chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết, với việc tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây khôi tía sẽ là một thế mạnh để người dân trong xã nói riêng, huyện Yên Lập nói chung triển khai thực hiện, góp phần bảo tồn cây dược liệu quý hiếm của Việt Nam, đồng thời tạo nguồn thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân đồng bào DTTS và miền núi.
Từ nguồn vốn của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hy vọng thời gian tới, bộ mặt nông thôn, miền núi của huyện Yên Lập sẽ có nhiều khởi sắc. Đây là tiền đề quan trọng để đồng bào DTTS tiếp tục phát huy thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng về dược liệu và phát triển thành vùng cung cấp nguyên liệu dược liệu trọng điểm.