Phát triển kinh tế số từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều chương trình, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán số.

Người dân quét mã QR để thanh toán khi mua hàng. Ảnh: THỦY TIÊN

Người dân quét mã QR để thanh toán khi mua hàng. Ảnh: THỦY TIÊN

Xây dựng chợ không tiền mặt

Hiện nay, nhiều sạp hàng ở chợ trung tâm xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) trang bị mã QR tại quầy, giúp việc thanh toán thuận tiện. Sau khi lựa chọn được các món đồ ưng ý, chị Nguyễn Thị Minh dùng điện thoại quét mã để thanh toán cho chủ sạp hàng. Phương thức thanh toán trực tuyến bằng cách chuyển khoản, quét mã... mang lại nhiều thuận tiện cho cả người mua và người bán.

Bà Ngô Thị Thu Dung, chủ một sạp hàng ở chợ trung tâm xã An Ninh Tây cho hay: Từ năm ngoái, khi được Viettel huyện Tuy An hỗ trợ mở QR code, đa số khách đến mua hàng đều chọn thanh toán quét mã, chỉ số ít những người lớn tuổi còn trả tiền mặt. Việc thanh toán trực tuyến mang lại rất nhiều thuận tiện, người mua, người bán đều không phải lo về tiền giả, không sợ thối nhầm, đánh rơi tiền…

Thời gian qua, cùng với hệ thống các ngân hàng, các nhà mạng viễn thông trên địa bàn đã tích cực vào cuộc. Ông Đỗ Thanh Hiền, Phó Giám đốc Giải pháp CNTT Viettel Phú Yên cho biết: Thời gian qua, Viettel Phú Yên tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa bằng việc mở điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR tại các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, chợ; hợp tác với ngành Điện thiết lập 9 đơn vị thu hộ tiền điện qua Viettel money và hướng dẫn người dân thanh toán tự động qua app.

Viettel còn ký kết hợp tác triển khai thí điểm xã chuyển đổi số toàn diện tại 5 xã, thị trấn... Đến nay, toàn tỉnh đã có 80.000 khách hàng đang sử dụng Viettel money và 4.500 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR của Viettel, giúp đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tương tự, việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 cũng được VNPT Phú Yên triển khai trong nhiều năm gần đây. Từ năm 2020, đơn vị này đã phát triển dịch vụ tài chính số VNPT money. Đến nay, VNPT money đã thu hút 42.000 người dùng tại Phú Yên với dòng tiền thanh toán qua ví VNPT hằng tháng khoảng 2,3 tỉ đồng.

Tiền di động - giải pháp cho vùng sâu, vùng xa

Sau khoảng 1 năm sử dụng tài khoản Mobile money, bà Hồ Thị Hồng Hạnh ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) đã không còn phải lo lắng mỗi khi đến kỳ đóng tiền điện hằng tháng. Với tài khoản này, bà ngồi tại nhà vẫn thanh toán được tiền điện và còn có thể chi trả các khoản chi tiêu nhỏ. Bà Hạnh cho hay: Từ số thuê bao di động chính chủ, VNPT đã mở cho tôi một tài khoản Mobile money.

Tài khoản này dùng được trên điện thoại không cần phải kết nối wifi, việc thao tác chỉ bằng một vài phím bấm, rất thuận lợi cho người dân vùng nông thôn và những người lớn tuổi như tôi. Ngoài ra, từ khi có tài khoản Mobile money, mỗi tháng con gái ở Đà Nẵng gửi tiền về cũng qua tài khoản này, khi nào cần dùng tiền mặt thì đến điểm giao dịch của VNPT để rút tiền không mất phí.

Trong khi đó, với hơn 1.500 điểm nạp, rút tiền trên toàn tỉnh, mạng lưới này của Viettel Phú Yên đang tích cực “chia lửa” với các địa phương, hệ thống ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi các điều kiện về hạ tầng công nghệ còn thiếu và yếu.

Theo UBND xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), vừa qua địa phương này đã ký kết hợp tác cùng Viettel thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Theo đó, nhiều hoạt động cũng đã được hai đơn vị triển khai để phát triển đồng bộ cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, với hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, trình độ dân trí thấp..., việc trang bị, sử dụng điện thoại thông minh, kết nối internet rất khó khăn.

Vì vậy, địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn mở các tài khoản Mobile money để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Điều kiện thuận lợi nhất khi phát triển loại hình này là ở mỗi thôn, mỗi cụm dân cư trên địa bàn đều có các điểm nạp, rút tiền của Viettel, giúp bà con thuận lợi trong việc nạp và rút tiền phục vụ nhu cầu hằng ngày.

Ông Đỗ Thanh Hiền, Phó Giám đốc Giải pháp CNTT Viettel Phú Yên cho hay: Viettel Phú Yên đang đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công bằng việc xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; đẩy mạnh kết nối và cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đơn vị cũng tiếp tục triển khai mô hình xã chuyển đổi số toàn diện, chợ 4.0 nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; mở rộng kênh bán tới các xã khó khăn nhằm hỗ trợ các điểm nạp, rút tiền cho người dân; phối hợp với các tổ chuyển đổi số cộng đồng triển khai các điểm quét mã QR tại quán ăn, nhà hàng, tạp hóa, cà phê… để thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT, thanh toán không dùng tiền mặt là phương thức thanh toán thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và chính xác hơn, giúp loại bỏ được những tồn tại khi sử dụng tiền mặt. Thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi hoạt động KT-XH, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong phát triển kinh tế số của tỉnh.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/321933/phat-trien-kinh-te-so-tu-hoat-dong-thanh-toan-khong-dung-tien-mat.html