Phát triển kinh tế tập thể: Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ngoài việc thường xuyên củng cố tổ chức Liên minh Hợp tác xã (HTX) qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, đòi hỏi các cấp các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể (KTTT) mà Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, đã đề ra, đó là: Đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá. Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức KTTT. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức KTTT, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức KTTT nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh HTX quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Để đạt được các mục tiêu trên, các ngành, địa phương cần phải nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, không ngừng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KYTT. Hoàn thiện khung pháp lý về KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX...) và các tổ chức đại diện để nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành.

Bố trí nguồn kinh phí tương xứng từ ngân sách nhà nước để bảo đảm triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển KTTT. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của KTTT. Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức KTTT; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển các tổ chức KTTT. Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong các tổ chức này. Có cơ chế, chính sách khuyến khích tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức KTTT.

Đối với đặc thù Bình Thuận, UBND tỉnh đặt mục tiêu phát triển KTTT một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển kinh tế tập thể phải gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển đa dạng các loại hình HTX, xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có sức cạnh tranh; chú trọng xây dựng Hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa ở địa phương; thu hút nhiều nông dân, hộ gia đình tham gia vào KTTT, HTX Phấn đấu đưa KTTT trở thành một trong những thành phần kinh tế mang lại lợi ích cho người tham gia, đặc biệt là nông dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2023; tuyên truyền, tập huấn Luật HTX và nâng cao nguồn nhân lực; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX; nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về KTTT; huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT.

Trong năm 2025, tỉnh Bình Thuận có kế hoạch thành lập mới thêm 10 HTX; doanh thu bình quân của Hợp tác xã là 2.250 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX là 6 triệu đồng/tháng; tỷ lệ cán bộ HTX có trình độ trung cấp trở lên đạt 54%; tỷ lệ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 12% tổng số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

BẢO NGỌC

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-trien-kinh-te-tap-the-nhung-nhiem-vu-va-giai-phap-chu-yeu-125421.html