Phát triển kinh tế tri thức từ trường đại học

Năm 2021 được thành phố Hồ Chí Minh xác định là năm phát triển kinh tế tri thức, trước hết là phát triển nguồn lực con người có trình độ chuyên môn cao. Một trong những trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao chính là Khu đô thị Đại học Quốc gia, có tổng diện tích 640ha, với gần 30 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học… Đây là nơi học tập của khoảng 70.000 sinh viên đủ các chuyên ngành.

Khu đô thị Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam.

Chú trọng phát triển kinh tế tri thức

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tri thức. Việc sớm quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với thành phố Thủ Đức, với Khu đô thị Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm, chính là để phục vụ mục tiêu này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Kinh tế tri thức có bốn trụ cột chính. Một là nguồn lực trí tuệ con người. Hai là nghiên cứu chuyển giao đổi mới sáng tạo. Ba là hạ hầng tiên tiến. Bốn là chính sách hỗ trợ phát triển".

Về phát triển nguồn lực con người, giai đoạn 2016-2020, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo, cung cấp cho thành phố và các địa phương phía Nam khoảng 60.000 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ. Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao, với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỷ đồng.

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) chế tạo thành công máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu.

Về chuyển giao công nghệ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ thông tin, đáng chú ý là sản phẩm máy bay không người lái của Trường Đại học Bách khoa, giúp phun thuốc bảo vệ thực vật ở vùng cao tới 1.000m so với mực nước biển, cho hiệu suất thời gian gấp 50 lần phun thuốc bằng tay.

Cùng với đó là “Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn và quan trắc chất lượng nước” của Viện Công nghệ Nano, giúp người dân Đồng bằng sông Cửu Long chủ động trong việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy hải sản và sinh hoạt…

Về phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang có hệ thống phòng thí nghiệm (PTN) tương đối toàn diện, gồm: 2 PTN trọng điểm cấp quốc gia, 11 PTN trọng điểm cấp Đại học Quốc gia và trên 80 PTN cấp khoa và bộ môn.

Ngoài ra, các trường đại học thành viên cũng tích cực tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển. Đơn cử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nghiên cứu chính sách thúc đẩy phát triển về du lịch và các sản phẩm về nông thôn mới. Trường Đại học Kinh tế - Luật đang nghiên cứu các dự báo, mô hình thể chế liên quan đến lĩnh vực kinh tế xã hội…

Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn và quan trắc chất lượng nước của Viện Công nghệ Nano (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) được lắp đặt tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Chú trọng liên kết nhà trường - nhà nước và doanh nghiệp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trường học cần doanh nghiệp để định hướng đào tạo sát với nhu cầu thực tế và thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp cần nhà trường như một nơi cung cấp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng cao. Nhà nước tạo hành lang pháp lý để có môi trường phát triển các hoạt động liên kết.

Thời gian qua, các đơn vị thành viên rất chú trọng phát triển hình thức liên kết này. Điển hình là các dự án: Phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng Led do Trường Đại học Bách khoa hợp tác Công ty bóng đèn Điện Quang; Viện Tế bào gốc (Trường Đại học Khoa học tự nhiên) ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất mỹ phẩm BabyEver cho Công ty cổ phần Bệnh viện Emcas thành phố Hồ Chí Minh…

Đáng chú ý, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao quân đội Viettel (VHT) đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, thiết kế và sản xuất bộ thu và bộ phát cho chip 5G sử dụng công nghệ TSMS CMOS 28nm, hoàn thành trong năm 2021.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết: “Hoạt động này là một trong những chiến lược quan trọng của nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) ký kết chương trình hợp tác với Công ty TNHH Advantech Việt Nam Technology để đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Mới đây nhất, qua sự kết nối của Cục Công tác phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) ký kết chương trình hợp tác với Công ty TNHH Advantech Việt Nam Technology để đào tạo nhân lực chất lượng cao, thông qua chương trình mang tên WISE-PaaS@Education thuộc dự án toàn cầu Innoworks 2021.

Ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sẽ cung cấp nền tảng công nghệ và học bổng để các sinh viên được trường lựa chọn tham gia khóa học tối đa 12 tháng. Trong thời gian này, sinh viên được tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất, tham gia nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT).

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế tri thức, tạo điều kiện các bên hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần để thành phố giữ vững và phát triển vị thế đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam và của cả nước.

Nam Trung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/991129/phat-trien-kinh-te-tri-thuc-tu-truong-dai-hoc