Phát triển kỹ thuật y học hiện đại

Ngành y tế Đà Nẵng đang nỗ lực cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Việc chú trọng đầu tư, phát triển kỹ thuật y tế theo hướng đa khoa rộng, chuyên khoa sâu nhằm tạo điều kiện cho người dân Đà Nẵng và khu vực miền trung, Tây Nguyên được khám, chữa bệnh chất lượng cao, ngang tầm các nước trong khu vực.

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên.

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên.

Làm chủ kỹ thuật y học tiên tiến

Trong hai năm 2017 - 2018, ngành y tế Đà Nẵng đồng loạt triển khai hơn 150 dịch vụ kỹ thuật cao tại các bệnh viện trên địa bàn. Đi liền với đó, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư, nâng cấp. Đây không chỉ là việc áp dụng các thành quả khoa học - kỹ thuật y học hiện đại mà còn là sự cố gắng rất lớn trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận, sử dụng, vận hành hiệu quả các máy móc y tế hiện đại của đội ngũ y sĩ, bác sĩ tại Đà Nẵng.

Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng, phát triển y tế chuyên sâu sẽ thu hút nhiều lượt người bệnh đến khám và điều trị, giảm chi phí, thời gian điều trị cho người bệnh trong khu vực khi gặp bệnh hiểm nghèo. Ngành y tế thành phố tập trung đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ y tế, phù hợp đặc điểm cung cấp dịch vụ của từng đơn vị và theo phân tuyến kỹ thuật. Theo lộ trình, ngành y tế Đà Nẵng tiếp tục áp dụng nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến vào khám, chữa bệnh, nâng tầm các dịch vụ tập trung bảo đảm sức khỏe cho người dân trong khu vực.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai được 35 kỹ thuật mới (14 kỹ thuật lâm sàng, 21 kỹ thuật cận lâm sàng). Trong đó, có nhiều kỹ thuật cao như: ứng dụng hệ thống định vị trong phẫu thuật u não vi phẫu ít xâm lấn; nong van hai lá qua da trong điều trị hẹp van hai lá; phẫu thuật bóc tách động mạch chủ ngực stanford A; tiêu sợi huyết não thất trong xuất huyết não; siêu âm Doppler xuyên sọ; cấy ghép tế bào gốc... Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sau khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, triển khai ký kết chuyển tuyến điều trị cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, áp dụng hơn 90 kỹ thuật mới, trong đó đầu tư chuyên sâu và thực hiện thành công chương trình chữa trị hiếm muộn; xây dựng Ngân hàng Sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), sau hơn bốn năm triển khai, đến nay, Khoa Hiếm muộn đã thực hiện thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tỷ lệ mang thai 42%. Kết quả này đã mang lại niềm hạnh phúc vô bờ không chỉ với những gia đình hiếm muộn mà còn đối với chính đội ngũ y sĩ, bác sĩ. Tổng số 370 bé đã ra đời khỏe mạnh và gần 100 ca đang mang thai.

Xây dựng nhiều trung tâm điều trị chuyên sâu

Tại kỳ họp lần thứ tám vừa qua, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó có nhiều dự án đầu tư trọng điểm về lĩnh vực y tế. Cụ thể, Đà Nẵng sẽ đầu tư xây dựng mới các trung tâm điều trị chuyên sâu, hiện đại trong: phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình; tim mạch; ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc (thuộc Bệnh viện Đà Nẵng); Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1), Trung tâm y tế quận Sơn Trà (giai đoạn 1). Tổng vốn đầu tư các công trình này là hơn 1.740 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tập trung đầu tư hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng đã có chủ trương đầu tư của UBND thành phố, gồm: Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh và bỏng tạo hình, Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng; nâng cấp và mở rộng các bệnh viện: Phụ Sản - Nhi, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng, Răng hàm mặt; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Kiểm nghiệm; trung tâm y tế các quận: Sơn Trà, Cẩm Lệ và Thanh Khê.

Năm 2014, Bệnh viện Đà Nẵng được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện ghép thận từ người cho sống, và bước đầu triển khai các cặp ghép thận cùng huyết thống. Từ cặp thứ 10 trở đi, Bệnh viện Đà Nẵng đã bắt đầu ghép thận cho cặp ghép khác huyết thống. Đặc biệt, ngày 31-1-2018, ca ghép thận đầu tiên được tự chủ hoàn toàn bởi ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng. Đến nay, đã có hơn 20 ca ghép thận thành công. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đà Nẵng xây dựng đề án cấy ghép tế bào gốc, từ năm 2016, ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương cột sống cũng đã được thực hiện thành công.

Do nhu cầu ghép tạng và tế bào gốc tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận ngày càng cao, nhằm giúp người bệnh không phải đến các trung tâm khác điều trị, ban giám đốc bệnh viện đã xây dựng đề án nhằm đẩy mạnh chương trình ghép tạng và tế bào gốc. Bệnh viện đã hợp tác đào tạo về nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật với Bệnh viện Đại học Yonsei (một trong những trung tâm ghép tạng lớn nhất của Hàn Quốc).

Tháng 9-2018, Hiệp hội Y bác sĩ Việt - Nhật cũng đã ký hợp tác với Bệnh viện Đà Nẵng về huấn luyện đội ngũ bác sĩ ghép gan chuyên nghiệp. Theo đó, Hiệp hội Y bác sĩ Việt - Nhật và Tổ chức Team Medical Rounds sẽ tạo điều kiện để Bệnh viện Đà Nẵng đưa các ê-kíp bác sĩ sang Nhật Bản đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Và ca ghép gan với kỹ thuật hiện đại nhất được sự hướng dẫn của bác sĩ Ma-xa-tô-si Ma-ku-chi (Nhật Bản) - người được mệnh danh là “huyền thoại sống” về ghép tạng thế giới đã được triển khai đầu tháng 11 vừa qua.

Theo TS, BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, việc ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị hướng tới chất lượng phục vụ người bệnh với năm mục tiêu như: người bệnh an toàn hơn, hiệu quả điều trị tốt hơn, rút ngắn thời gian chờ của người bệnh, giảm chi phí và mang lại sự hài lòng từ người bệnh. Việc thành phố phê duyệt chủ trương xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu trong các lĩnh vực tim mạch, ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc… sẽ đưa kỹ thuật ghép tạng ở bệnh viện Đà Nẵng và khu vực miền trung phát triển, không chỉ ghép thận, gan, mà còn cả trong lĩnh vực mật, tụy.

Bài và ảnh: ANH ĐÀO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38403802-phat-trien-ky-thuat-y-hoc-hien-dai.html