Phát triển lâm nghiệp bền vững
Ngay từ khi mới lập lại tỉnh Quảng Trị, xác định rõ lâm nghiệp là một ngành kinh tế đặc thù giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững địa phương và quốc gia nên tỉnh đã chú trọng đầu tư để vừa nhanh chóng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa phục hồi độ che phủ tác động thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và đời sống trên địa bàn.
Ngành kinh tế lâm nghiệp của tỉnh có những bước phát triển dài và bền vững phải ghi nhận đầu tiên từ công tác quản lí nhà nước về lâm nghiệp được thực hiện đồng bộ như xây dựng quy hoạch 3 loại rừng; kiện toàn và củng cố hệ thống tổ chức quản lí lĩnh vực lâm nghiệp theo chức năng từng loại rừng nhằm tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lí, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch tổng thể các khu bảo tồn thiên nhiên giai đoạn 2012- 2020, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; phương án đấu tranh ngăn chặn truy quét những tổ chức, cá nhân xâm hại rừng ở các khu vực trọng điểm; đề xuất các đề án, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học…
Trên cơ sở thực hiện thành công các chương trình, dự án trồng rừng trong 30 năm qua như: Dự án 327, 661, Jbic, Jica, dự án bảo vệ và phát triển rừng… đã tạo sự lan tỏa cho phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện quy hoạch 3 loại rừng là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất tạo điều kiện cho các tổ chức và người dân có đất để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện đề án giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư, đến nay tỉnh đã giao đất, giao rừng cho những chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế quản lí với tổng diện tích 205.599 ha, chiếm 61,7% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng.
Sau 30 năm lập lại tỉnh, diện tích rừng phát triển tăng gấp 2,57 lần so với năm 1989 và độ che phủ rừng cũng tăng số lần tương ứng như thế. Năm 1989, diện tích đất có rừng là 98.626 ha với độ che phủ rừng 19,5%, đến cuối năm 2018, diện tích có rừng tăng lên 253.465,1 ha, trong đó rừng tự nhiên 142.829,6 ha, rừng trồng 110.635,5 ha với độ che phủ rừng 50,1%. Đây là con số có ý nghĩa thiết thực nhất thể hiện sự phát triển vượt bậc của ngành Lâm nghiệp.
Xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ có lợi thế là vùng trung du nên người dân ở đây tích cực tham gia trồng rừng kinh tế. Chủ trương của xã là đẩy mạnh trồng rừng phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại lâm nghiệp. Do đó, công tác quy hoạch đất lâm nghiệp và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân được xã quan tâm thực hiện đã tạo điều kiện cho người dân phát triển nhanh diện tích rừng trồng. Ông Nguyễn Văn Tường ở xã Cam Nghĩa, Cam Lộ cho biết: “Gia đình tôi trồng rừng có đầu tư thâm canh, chăm sóc tốt nên rừng phát triển rất nhanh, chỉ cần khoảng 4 - 5 năm là thu hoạch được, có thể đạt khoảng 60 triệu đồng/ha. Nếu để phát triển thêm thành cây gỗ lớn thì kéo dài chu kì trồng rừng ra khoảng 8 - 10 năm cho thu hoạch từ 100 - 150 triệu đồng/ha”.
Trong những năm gần đây, phong trào trồng rừng của tỉnh phát triển mạnh, không chỉ phủ xanh mà còn phủ xa đến những nơi có địa hình phức tạp, giao thông cách trở. Điều quan tâm hơn là Sở Nông nghiệp và PTNT cùng chính quyền các địa phương đã chỉ đạo bằng nhiều biện pháp làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc trồng rừng, chú trọng nâng cao chất lượng bằng cách trồng rừng gỗ lớn với các mô hình liên kết sản xuất như: thành lập các nhóm hộ, liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng có chứng chỉ FSC. Điển hình như Công ty cổ phần Tổng công ty thương mại Quảng Trị hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng có chứng chỉ FSC được vay vốn với lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại thời điểm hiện tại, tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cam kết thu mua toàn bộ gỗ có chứng chỉ FSC cao hơn so với giá bán thị trường cùng thời điểm. Ngoài ra còn giảm chi phí gia công gỗ nên nếu bán cho Công ty, sản phẩm gỗ sẽ được tăng rất nhiều so với thị trường.
Đến nay, diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh được cấp chứng chỉ FSC là 22.158 ha, chiếm 12% trên toàn quốc và dẫn đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ cho cả 2 đối tượng doanh nghiệp và hộ gia đình, trong đó 3 công ty lâm nghiệp 20.282,2 ha, hộ gia đình 1.876,5 ha. Chất lượng rừng trồng tăng lên thông qua diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC ngày càng nhiều. Đánh giá về lợi ích của việc trồng rừng có chứng chỉ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị Trần Thanh Hiền cho biết: “Trồng rừng theo hướng này không chỉ đảm bảo chức năng cải tạo môi trường, môi sinh, bảo vệ đất đai; chống xói mòn, rửa trôi, sa mạc hóa, nghèo kiệt đất; tăng độ phì nhiêu cho đất mà còn cho sản lượng gỗ cao hơn nhiều so với rừng bình thường và bán được giá, thị trường tiêu thụ rộng. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo đẩy mạnh trồng rừng theo hướng thâm canh, thực hiện quản lí rừng bền vững, mở rộng diện tích và nâng cao giá trị rừng gỗ lớn có chứng chỉ, cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trên địa bàn của tỉnh cũng như tạo thương hiệu trong hội nhập kinh tế quốc tế”.
Cùng với việc chú trọng bảo vệ các khu rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu, rừng phòng hộ biên giới, bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, trồng rừng kinh tế phát triển mạnh trên địa bàn mỗi năm từ 5.500 - 7.000 ha đã tạo được nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng ổn định, hợp pháp cho ngành chế biến gỗ của tỉnh với sản lượng khai thác tăng trưởng ổn định, năng suất rừng trồng ngày càng cao. Ước tính những năm gần đây đã cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ từ 900.000 - 1000.000 tấn/năm cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Quảng Trị là một trong những tỉnh đứng đầu trong cả nước về trồng rừng nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng.
Sự phát triển đúng hướng và chất lượng của kinh tế lâm nghiệp Quảng Trị đang mang lại cho tỉnh nhiều giá trị, không chỉ đơn thuần là những lợi ích trực tiếp từ rừng mà cái quan trọng hơn là từ hệ sinh thái rừng đó đã giúp nhiều ngành kinh tế khác có nền tảng để phát triển. Đó là thành quả mà Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dựa trên thành tựu của 30 năm qua dày công tạo dựng, đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế thế mạnh và luôn phát triển vững bền.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140238