Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề được UBND tỉnh công nhận với tổng số gần 11.000 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 34 nghìn lao động...

Gia đình ông Bùi Văn Ngọ, thành viên của Làng nghề mộc Việt Tiến xây dựng xưởng, phân khu vị trí làm việc theo đặc thù từng công đoạn để giảm tiếng ồn, bụi bẩn, mùi sơn trong quá trình sản xuất, chế biến và hoàn thiện sản phẩm.

Gia đình ông Bùi Văn Ngọ, thành viên của Làng nghề mộc Việt Tiến xây dựng xưởng, phân khu vị trí làm việc theo đặc thù từng công đoạn để giảm tiếng ồn, bụi bẩn, mùi sơn trong quá trình sản xuất, chế biến và hoàn thiện sản phẩm.

(baophutho.vn)

- Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tạo việc làm cho trên 16 nghìn lao động, trong đó số lao động thường xuyên chiếm 75%. Các làng nghề truyền thống đã và đang tiếp tục nỗ lực tìm cho mình hướng đi mới, phù hợp với tình hình thực tế với mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Chú trọng cải thiện môi trường
Hiện nay, các làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh được chia thành 4 nhóm ngành nghề chính, trong đó, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 44 làng nghề, chiếm 58,7%. Các sản phẩm chủ yếu là: Chè đen, chè xanh, bún, mì và bánh các loại... Đây được xem là nhóm làng nghề có nhu cầu sử dụng nước lớn trong các khâu chế biến như ngâm, tẩy trắng bột… vì vậy, lượng nước thải ra môi trường không hề nhỏ. Nước thải của các làng nghề chế biến lương thực thường chứa các tạp chất hữu cơ ở dạng hòa tan hoặc lơ lửng, trong đó chủ yếu là các hợp chất hydrat cácbon như tinh bột, đường, các loại axit hữu cơ (lactic)... sẽ làm suy giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước do vi sinh vật sử dụng oxy hòa tan để phân hủy các chất hữu cơ. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, thời gian qua, các làng nghề đã vận động, khuyến khích các hộ sản xuất sử dụng đa dạng các biện pháp xử lý nước thải ra môi trường như sử dụng chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi, bể lắng, hầm bi-ô-ga để đảm bảo sức khỏe và môi trường sinh sống. Về làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Đoàn Kết ở, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì vào những ngày nắng nóng oi bức của mùa Hè nhưng trong khu sản xuất mỳ gạo tập trung của các thành viên trong làng nghề với 5 hộ, trung bình mỗi ngày sản xuất trên 1 tấn gạo vẫn đảm bảo không gian sạch sẽ, thoáng mát và dễ chịu. Mỗi người một việc, ai nấy đều hăng say làm việc. Trước đây, các hộ trong làng nghề chủ yếu sản xuất thủ công, quy mô nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình nên việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện, mặt bằng sản xuất còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, mật độ dân cư đông, thiếu mặt bằng sản xuất, khu chăn nuôi xen lẫn khu dân cư nên nước thải có hàm lượng tinh bột lớn chưa qua xử lý, xả ra kênh mương khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Cao Đăng Duy - Trưởng làng nghề cho biết: “Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, vài năm trở lại đây, người dân làng nghề đã thay đổi suy nghĩ và cách làm trong sản xuất, đặc biệt họ đã quan tâm tới sức khỏe của chính bản thân nên việc xử lý chất thải ra môi trường cũng được chú trọng. Hầu hết, các hộ trong làng nghề đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo được sự đồng bộ trong tất cả các khâu nên lượng nước thải ra môi trường cũng giảm thiểu rõ rệt, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các hộ sử dụng hầm biogas, qua bể lắng và hệ thống kênh mương dẫn nước thải đã được lắp đặt nắp cống nên chất lượng môi trường đã cải thiện hơn nhiều so với trước”.Cùng với nhóm ngành nghề chế biến lương, thực phẩm nỗ lực cải thiện môi trường, các làng nghề thủ công mỹ nghệ cũng đã và đang thực hiện những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi trong không khí. Làng nghề mộc Việt Tiến, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao chuyên sản xuất, chế biến gỗ với các sản phẩm chủ lực đồ mộc gia dụng, ván ép, nhà cổ... Với đặc thù nguyên liệu sử dụng chủ yếu là gỗ nên trong quá trình sản xuất, các công đoạn như: Cưa, xẻ, khoan, phay, bào, chà... sẽ tạo ra tiếng ồn lớn và bụi bẩn theo gió phát tán ra môi trường. Các xưởng sản xuất, chế biến gỗ đã làm khung nhôm kính, sử dụng bạt che chắn, các loại máy hút bụi hiện đại để hạn chế tiếng ồn và bụi bẩn ra không khí. Ông Nguyễn Đình Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết: Làng nghề mộc Việt Tiến nằm xen kẽ trong khu dân cư với hơn 40 cơ sở sản xuất và kinh doanh. Để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của các hộ xung quanh, chúng tôi họp và ký cam kết với các hộ trong làng nghề thực hiện khung thời gian làm việc theo quy định, tránh làm tăng ca, thêm giờ, nhất là vào các khung giờ nghỉ ngơi, ảnh hưởng tới những hộ xung quanh. Đồng thời, các hộ cũng đã có ý thức làm vách che chắn, sử dụng máy hút bụi và phân khu sản xuất, chế biến, hoàn thiện sản phẩm vào từng khu vực phù hợp để hạn chế bụi bẩn, mùi khó chịu trong các khâu hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, chưa có tính bền vững. Cách hiệu quả nhất là quy hoạch các hộ làm nghề vào khu vực sản xuất tập trung, có hệ thống xử lý tiếng ồn và bụi được đầu tư bài bản nhưng nguồn kinh phí rất lớn nên địa phương chúng tôi vẫn còn rất nhiều khó khăn”.

Các hộ trong Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Đoàn Kết, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, sản xuất theo dây chuyền đồng bộ, góp phần giảm thiểu lượng nước thải ra môi trường.

Các hộ trong Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Đoàn Kết, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, sản xuất theo dây chuyền đồng bộ, góp phần giảm thiểu lượng nước thải ra môi trường.

Giải pháp để phát triển bền vữngMặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, nhưng hiện nay, quy mô sản xuất trong các làng nghề nhỏ, manh mún nên cơ bản mới chỉ chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm thỏa đáng tới vấn đề bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động. Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít.Cơ chế quản lý và hoạt động sản xuất giữa các làng nghề ít có sự gắn kết, nên việc liên kết sản xuất, thành lập các khu sản xuất tập trung còn khó khăn. Thêm vào đó, hầu hết các hộ làm nghề trên cùng diện tích sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư nên mặt bằng hạn chế, dẫn đến việc phân khu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường còn gặp khó khăn. Để phát huy thế mạnh của các làng nghề, đồng thời từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng môi trường sống, sức khỏe cho người dân, thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong làng nghề về công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong các làng nghề, từ đó có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở trong làng nghề và hướng tới xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom, phân loại chất thải rắn tập trung cho các làng nghề. Đối với chính quyền địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước, ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiệm vụ về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn, phát triển nghề làng nghề truyền thống và các kiến thức về môi trường đến các hộ sản xuất. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, có định hướng cụ thể trong việc quy hoạch các hộ sản xuất trong làng nghề vào khu vực sản xuất tập trung, xa khu dân cư đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Gắn công tác bảo vệ môi trường làng nghề vào các kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đổi mới cơ chế chính sách, khắc phục những hạn chế phù hợp với thực tế. Đối với các cơ sở sản xuất, bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền. Việc sử dụng các loại máy móc tiên tiến cũng giúp quá trình sơ chế, chế biến được đồng bộ theo dây chuyền, làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Riêng đối với các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cần tuân thủ quy trình xử lý, thu gom nước thải, rác thải, chất thải rắn theo đúng quy định. Cùng với đó, các làng nghề tiếp tục duy trì và phát triển các tổ tự quản trong làng nghề để thực hiện nghiêm túc các hương ước, quy ước riêng gắn với đặc thù riêng của từng làng nghề, ký cam kết thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202106/phat-trien-lang-nghe-gan-voi-bao-ve-moi-truong-177879