Phát triển ngành cơ khí và sản xuất chế tạo: Cần trợ lực từ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ

Trong 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của Việt Nam ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò nền tảng, là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, với mức tăng 9,7%, đóng góp 8,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung (Tổng cục Thống kê, 6.9.2024).

Thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo

Trong năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, tăng 39,3% so với năm 2022, trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án, chiếm 33,7% và điều chỉnh vốn, chiếm 54,8% (Tổng cục Thống kê, 9.1.2024). Kết quả thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo năm qua cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi của ngành tại Việt Nam.

 Ngành cơ khí và sản xuất chế tạo cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để phát triển đồng bộ. Ảnh: T.A

Ngành cơ khí và sản xuất chế tạo cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để phát triển đồng bộ. Ảnh: T.A

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành phía bắc có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng đột phá. Điển hình là Quảng Ninh với mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ đạt tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm, thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; Hưng Yên với ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, định hướng đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm, thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại; hay Vĩnh Phúc với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại trở thành ngành công nghiệp nền tảng.

Theo chiến lược Phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2025 ngành cơ khí được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào giá trị toàn cầu; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40% tổng sản lượng ngành cơ khí, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí. Theo xu hướng đó, các công nghệ, giải pháp cho sản xuất bền vững, giảm thiểu chất thải và nhiên liệu, nguyên liệu nhằm xây dựng nhà máy thông minh được xem là chìa khóa quan trọng.

Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) dự báo nhu cầu thị trường máy móc của trong nước có thể đạt 310 tỷ USD vào năm 2030, phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2023, Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu máy công cụ trị giá 71,36 triệu USD sang Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu máy công cụ trị giá 33,94 triệu USD sang Việt Nam, đánh dấu mức tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Chang Wen-Chung, Giám đốc Bộ phận Kinh tế của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với kim ngạch thương mại song phương đạt 23,158 tỷ USD vào năm 2023, và là chủ thể xuất khẩu máy công cụ lớn thứ 5 thế giới, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) hy vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chuỗi cung ứng của Việt Nam tăng cường nỗ lực theo đà tăng trưởng này.

Cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để phát triển đồng bộ

Theo một số chuyên gia, Để phát triển ngành cơ khí Việt Nam cần bổ sung và điều chỉnh một số cơ chế, chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trong đó, Chính phủ cần đưa ra các chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp cơ khí đầu tư vào công nghệ và máy móc hiện đại. Các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất sản phẩm cơ khí chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn nên được miễn, giảm thuế trong một khoảng thời gian nhất định.

Ngoài ra, cần có các gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành cơ khí. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ngành cơ khí cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để phát triển đồng bộ. Chính phủ nên khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn và thuế. Đồng thời, cần xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành cơ khí nhằm tập trung nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Ngành cơ khí cũng rất cần những chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực sáng tạo và phát triển công nghệ mới trong ngành cơ khí. Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách tăng cường các chính sách tài trợ nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp cơ khí và các viện nghiên cứu, trường đại học. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào R&D thông qua quỹ đổi mới sáng tạo,…

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-trien-nganh-co-khi-va-san-xuat-che-tao-can-tro-luc-tu-doanh-nghiep-cong-nghiep-phu-tro-post392559.html