Phát triển nghề truyền thống tại huyện Nông Cống
Trong những năm qua, huyện Nông Cống đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp, cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống. Nhờ đó, hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện được duy trì ổn định và ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sản xuất nón lá Trường Giang.
Nghề làm nón lá truyền thống của xã Trường Giang cũng có lúc thịnh, lúc suy, nhưng chưa bao giờ vắng bóng người khâu nón. Trong nhà, ngoài cổng, tay làm, miệng nói, câu chuyện của họ luôn rôm rả. Nón bán chạy nhất vào những tháng hè, nhiều hộ dân được thương lái đến đặt hàng và thu mua tại chỗ, số hộ còn lại mang bán ở các chợ trong tỉnh. Nón đẹp thường được chủ thu mua gom lại, bán vào tận miền Nam và các tỉnh lân cận. Toàn xã có hơn 4.000 nhân khẩu thì có tới 2.393 người chuyên làm nón, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ và phụ nữ. 10 tháng năm 2020, thu nhập từ nghề nón của xã đạt hơn 8 tỷ đồng. Con số ấy đã và đang góp phần đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho nhiều hộ trong xã.
Trong điều kiện các mặt hàng truyền thống sản xuất trong các làng nghề của huyện Nông Cống phải đối mặt với sức ép cạnh tranh với các mặt hàng sản xuất công nghệ cao, nhất là các sản phẩm nhập khẩu, các làng nghề truyền thống đã tận dụng thế mạnh là các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, tự nhiên để sản xuất. Một số sản phẩm như nón lá Trường Giang, hương bài Vạn Thắng, miến gạo Thăng Long... đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Do vậy, trong những năm qua, các làng nghề vẫn giữ được các tiêu chí tăng về số hộ tham gia và chất lượng sản phẩm. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển mạnh, như: làng nghề làm hương bài tại thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, quy mô 62 hộ, với 113 lao động, số lượng sản phẩm đạt khoảng 75.000 bó/năm, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Làng nghề chiếu cói và các sản phẩm từ cói, quy mô 461 hộ, thu hút 1.055 lao động và chủ yếu tại các xã Trường Giang, Minh Khôi, Tế Nông, Tượng Sơn; diện tích vùng nguyên liệu 281 ha tại 10 xã. Làng nghề làm miến gạo Tân Giao, xã Thăng Long, quy mô 52 hộ, thu hút 148 lao động; sản phẩm chủ yếu miến sợi, bánh phở, với sản lượng khoảng 2.500 tấn/năm, tổng giá trị đạt gần 29,5 tỷ đồng/năm... Những năm qua, các làng nghề truyền thống không những tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn mà còn hạn chế người dân tự do ra các thành phố lớn tìm việc làm, huy động được nguồn lực trong dân, sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa lâu đời của làng quê. Các làng nghề của huyện Nông Cống cơ bản hoạt động ổn định. Tổng số lao động tham gia các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện hiện nay là 5.583 người với thu nhập bình quân từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng; 10 tháng năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, huyện Nông Cống tiếp tục quan tâm duy trì, phát triển làng nghề truyền thống. Từ đó, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Phát triển nghề và làng nghề các địa phương trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.