PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CHUYÊN MÔN CAO, ĐẢM BẢO AN TOÀN TUYỆT ĐỐI CHO CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ

Thảo luận về Dự thảo Luật Căn cước tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, nôi dung quy định về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước được đại biểu quan tâm cho ý kiến. Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phát triển nguồn nhân lực cán bộ công nghệ thông tin chuyên môn cao để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Căn cước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Căn cước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Quan tâm cho ý kiến về quy định về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương lo ngại về những thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về sự cần thiết và tính bảo mật của các trường thông tin. Sau khi nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu nhận thấy tại Điều 9 dự thảo luật quy định 26 nhóm thông tin cần có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, trong 26 nhóm thông tin này chia thành các nhóm thông tin của công dân bắt buộc phải thu thập gồm: họ, chữ dệm và tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh... Nhóm thông tin này là thông tin để tạo lập số định danh cá nhân và giúp phân biệt người này với người khác trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý. Những nhóm thông tin còn lại sẽ là những thông tin cần thiết phải có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Đây là nhóm thông tin đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi số của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (Đề án 06).

Theo đại biểu, đây là những nhóm thông tin cần thiết phải có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu không có những nhóm thông tin này sẽ rất khó khăn trong việc xây dựng hướng đến đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Với những băn khoăn về tính bảo mật các dữ liệu cá nhân trong các trường thông tin này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay là cơ sở dữ liệu của Nhà nước và được Chính phủ đầu tư tương đối bài bản từ hạ tầng và hệ thống phần mềm được quản lý, giám sát bởi các đội ngũ chuyên môn. Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung cho các cơ quan nhà nước và sẽ được kết nối, chia sẻ, phân cấp, phân quyền khai thác, sử dụng thông tin tới toàn bộ các cơ quan nhà nước, không riêng gì Bộ Công an. Vì thế, việc truy xuất thông tin từ cơ sở này sẽ đảm bảo được tính bảo mật, an toàn thông tin nhưng vẫn thực hiện được quy trình chặt chẽ, nhanh chóng.

Về vấn đề này, đại biểu trân trọng đề nghị Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt quan tâm tới việc rà soát hạ tầng và củng cố, phát triển nguồn nhân lực cán bộ công nghệ thông tin chuyên môn cao để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kho dữ liệu, bởi nếu xảy ra sự cố lộ, lọt thông tin sẽ gây tác hại khó lường.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đề nghị làm rõ hơn các quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu, tính bảo mật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước và đã xác định là cơ sở dữ liệu duy nhất của Nhà nước được Chính phủ đầu tư bài bản. Cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm được quản lý, giám sát bởi đội ngũ chuyên môn về công nghệ thông tin, an ninh mạng. Việc truy xuất thông tin được thực hiện theo quy trình kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ, bảo đảm tính bảo mật và an toàn thông tin.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, việc sửa đổi các Luật Căn cước công dân năm 2014 thành Luật Căn cước năm 2013 là bước đổi mới quản lý dân cư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công tác quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân và chuyển đổi số quốc gia. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. Đại biểu đề nghị bổ sung các thông tin sau vào Điều 9 dự thảo luật gồm: Sổ bảo hiểm xã hội, sổ thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, các giấy tờ hộ tịch được cấp. Mục đích bổ sung để cập nhật đầy đủ các thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thực hiện có hiệu quả việc quản lý dân cư.

Về ý kiến không nên giao Chính phủ quy định các thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà quy định ngay trong luật để đảm bảo quyền của công dân, đại biểu Võ Mạnh Sơn thống nhất với ý kiến giữ nội dung này như dự thảo luật Chính phủ trình. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết những thông tin khác được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vừa đảm bảo tính ổn định của dự thảo luật nhưng vẫn có tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu thu thập, cập nhật thông tin trong từng thời kỳ, đồng thời phù hợp với quy định tại điểm d khoản 3 Điều 40 Luật Giao dịch điện tử.

Tại khoản 12 Điều 9 dự thảo luật quy định về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm cả nhóm máu, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm bởi quy định như vậy ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và có tiêu cực khác, nếu thông tin cá nhân này công khai; đồng thời nội dung này cũng không thống nhất với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú năm 2020. Nhóm máu khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó. Theo đó, pháp luật về cư trú không bắt buộc công dân phải cập nhật nhóm máu lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong trường hợp công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành cập nhật theo yêu cầu của người dân. Quy định như vậy sẽ mang tính chất nhân đạo, khoa học hơn.

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, tại khoản 6 Điều 10 dự thảo luật quy định cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có những thông tin liên quan đến bí mật cá nhân và đời sống riêng tư của công dân. Mặt khác, các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau dẫn đến phạm vi, mục đích khai thác cũng khác nhau. Do đó, để tránh việc lạm dụng, đánh cắp thông tin cũng như bảo vệ bí mật cá nhân của công dân, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu cần có những quy định cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phép khai thác và bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành nội dung này.

Về quy định tích hợp thông tin vào căn cước tài khoản định danh điện tử, dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định được sử dụng thường xuyên của công dân. Ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp và có thông tin được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân để giúp giảm các giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch dân sự.

Thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho biết hiện nay nhiều công dân vẫn sử dụng song song hai hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân. Việc này có thể dẫn đến tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng tình trạng, thực trạng pháp lý của các giấy tờ gốc.

Để khắc phục việc này, đại biểu đề xuất cần có những giải pháp để việc tích hợp, kết nối đầy đủ, kịp thời và khẳng định tính pháp lý các thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử để phục vụ người dân thuận tiện trong thực hiện các giao dịch hành chính, đáp ứng việc chuyển đổi số, chuẩn hóa số liệu, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho Nhân dân.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, một số đại biểu đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin. Có ý kiến đề nghị phân loại các trường thông tin bảo đảm logic, khoa học, thuận tiện; ý kiến khác đề nghị cân nhắc các trường thông tin bảo đảm tính ổn định, thường xuyên. Có ý kiến đề nghị không nên giao Chính phủ quy định các thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà quy định ngay trong luật để bảo đảm quyền của công dân.

Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, có ý kiến đề nghị cần xem xét để quy định giải quyết toàn diện vấn đề đặt ra liên quan đến trường hợp thông tin được in, lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước khác so với thông tin được tích hợp trong căn cước điện tử… để đảm bảo giá trị sử dụng của thẻ căn cước. Một số ý kiến đề nghị chọn lọc các loại thông tin cần thiết để tích hợp vào thẻ căn cước bảo đảm thực hiện được ngay, không giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết; quy định cấp quyền khai thác thông tin phù hợp với lĩnh vực, yêu cầu quản lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khai thác, sử dụng, bảo mật thông tin được khai thác, sử dụng; bổ sung quy định về hình thức, lộ trình tích hợp thông tin; trình tự, thủ tục thu thập, tích hợp thông tin... Các ý kiến của đại biểu đã được cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trình tại Kỳ họp thứ 6.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81326