Phát triển nhãn hiệu, nâng cao giá trị nông sản

Nhằm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu và uy tín chất lượng nông sản, thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai chương trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho những sản phẩm nông nghiệp và ứng dụng các đề tài khoa học phục vụ sản xuất.

Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu

Đồng Nai đã thực hiện Chương trình phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu và đã đạt được kết quả nền cho phát triển. Chương trình đã góp phần hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung cây trồng chủ lực như: bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); xoài La Ngà, Phú Ngọc (Định Quán); xoài Xuân Hưng, Suối Cao (Xuân Lộc); sầu riêng Long Khánh, Xuân Lộc; cà phê Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh; tiêu Xuân Thọ (Xuân Lộc)…

 Đồng Nai phát triển nhãn hiệu, nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Tâm Anh

Đồng Nai phát triển nhãn hiệu, nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Tâm Anh

Các cây trồng chủ lực đã phát triển cả về năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, một số sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường thế giới như: điều Donafoods, sầu riêng Dona, xoài Suối Lớn. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã triển khai và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 16 tổ chức, cá nhân, trong đó có 14 đơn vị sản xuất - kinh doanh trái cây, nấm, rau và 2 đơn vị chăn nuôi heo.

Tỉnh Đồng Nai cho biết, khi xây dựng chỉ dẫn địa lý, tỉnh cũng sẽ ban hành hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động chỉ dẫn địa lý như: quy trình trồng và chăm sóc, bảo quản chôm chôm; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm. Tiếp đến là thúc đẩy áp dụng triển khai thực tế vùng canh tác nhằm đảm bảo sản phẩm được kiểm soát và đạt tiêu chuẩn như đăng ký.

Nhằm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu và uy tín chất lượng nông sản, thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai chương trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho những sản phẩm nông nghiệp và ứng dụng các đề tài khoa học phục vụ sản xuất. Với những trái cây, nông sản đã có thương hiệu, các địa phương nên tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý để được bảo vệ pháp lý. Đồng thời, khi có nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, nông sản và trái cây dễ dàng mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Cơ hội để trái cây thâm nhập các thị trường mới nhằm nâng cao giá trị hiện rất rộng mở.

Các sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu gồm: xoài Xuân Hưng (Xuân Lộc); xoài La Ngà (Định Quán); bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); chôm chôm Xuân Định (Xuân Lộc); rau Trảng Dài (Biên Hòa); rau Trường An (Xuân Lộc); rau Gia Tân (Thống Nhất); rau Tân Tiến (Xuân Lộc); sầu riêng (Long Khánh); mãng cầu xiêm (Cẩm Mỹ); chuối Thanh Bình (Trảng Bom); tiêu (Xuân Lộc); tiêu Thanh Bình (Trảng Bom); heo Phú Sơn (Trảng Bom); điều Donafoods (Biên Hòa); cá rô Tân Hạnh (Biên Hòa). Mức hỗ trợ để xây dựng và đăng ký thương hiệu khoảng 50% chi phí, nhưng không quá 80 triệu đồng/cơ sở.

Góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh

Tại Đồng Nai, sầu riêng được trồng nhiều ở Long Thành, Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán, song nổi tiếng nhất là sầu riêng Long Thành, Long Khánh, Xuân Lộc bởi chất lượng thơm ngon, năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Mới đây, đặc sản chôm chôm và sầu riêng của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh (Long Khánh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Hai loại trái cây này của HTX gồm các loại chôm chôm Rong Riêng, Nhãn, Java cùng các giống sầu riêng Dona, Hạt lép, Ri6 và Chín Hóa. Căn cứ vào các quy chế nhãn hiệu đã được đăng ký, các sản phẩm này khi xuất bán trên thị trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, trọng lượng.

Thị xã Long Khánh hiện có trên 3.000ha chôm chôm và gần 1.300ha sầu riêng. Sản lượng chôm chôm hàng năm đạt trên 40.000 tấn và sầu riêng đạt khoảng 4.700 tấn. Việc xây dựng được thương hiệu sẽ tạo được thị trường tiêu thụ ổn định, giúp nông dân thâm canh vườn cây tốt hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây đặc sản địa phương.

Trên địa bàn huyện Tân Triều, hiện nay có khoảng 400ha bưởi, chủ yếu là giống bưởi đường lá cam, bưởi xiêm ruột đỏ, bưởi da xanh ruột hồng, bưởi ổi, bưởi da láng… Giá bưởi Tân Triều dao động theo từng năm, bình quân giá bưởi đường lá cam, bưởi ổi bán tại vườn khoảng 280 - 300 ngàn đồng/12 trái. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, giá có thể lên đến 1 - 1,7 triệu đồng/12 trái. Bưởi Tân Triều không chỉ tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước châu Âu như: Hà Lan, Đức…

Từ năm 2006, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển giá trị thương hiệu bưởi Tân Triều, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh cho loại nông sản này trên thị trường trong và ngoài nước.

Khánh Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-trien-nhan-hieu-nang-cao-gia-tri-nong-san-post392107.html