Phát triển nhãn hiệu tập thể bưởi Vĩnh Tường - Hương vị đất phủ

Được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể có thể coi là bước đệm quan trọng trong việc đưa thương hiệu bưởi Vĩnh Tường vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị cũng như thu nhập cho người trồng bưởi. Thế nhưng đến nay, việc quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bưởi Vĩnh Tường ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng. Ảnh: Chu Kiều

Bưởi Vĩnh Tường ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng. Ảnh: Chu Kiều

Chỉ còn một tháng nữa là tới Tết Nhâm dần 2022. Đây cũng là thời điểm người trồng bưởi diễn ở vùng đất bãi Vĩnh Tường đang tất bật vào vụ thu hoạch.

Với ưu điểm ngon, ngọt mát, từ nhiều năm nay, bưởi Vĩnh Tường đã có được sự đón nhận tích cực từ phía người tiêu dùng. Diện tích trồng bưởi trong huyện không ngừng được mở rộng. Đến nay đã đạt trên 100 ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng bãi như Phú Đa, Vĩnh Thịnh, Phú Thịnh, Vĩnh Ninh...

Xác định bưởi là cây trồng chủ lực, từ năm 2018, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Tường, cùng sự giúp đỡ của của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phòng NN&PTNT huyện, Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường đã bắt tay vào xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bưởi Vĩnh Tường – Hương vị đất phủ”.

Đến cuối năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi Vĩnh Tường. Đây không chỉ là sự khẳng định cho chất lượng, tính đặc thù của sản phẩm mà còn là đòn bẩy để bưởi Vĩnh Tường mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị, đồng thời qua đó thúc đẩy quy mô sản xuất phát triển.

Chia sẻ về những lợi ích sau khi được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, ông Phùng Văn Tân, Chủ tịch Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường cho biết: “Việc đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch tạo điều kiện thuận lợi rất lớn đối với người trồng bưởi trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố lân cận, năm 2020, huyện đã xuất được một số xe bưởi vào Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Cùng với đó, việc gắn tem nhãn cũng tạo được sự tin tưởng đối với người tiêu dùng. Nhờ vậy, giá bán cũng được chênh lên khoảng 3 nghìn đồng/quả so với trước đây”.

Mặc dù đem lại những lợi ích thiết thực, song đến nay, việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bưởi Vĩnh Tường – Hương vị đất phủ” đang gặp phải không ít khó khăn.

Thành công trong việc xây dựng nhãn hiệu, nhưng đến nay, số bưởi được dán tem nhãn trước khi xuất ra thị trường không nhiều. Cụ thể, năm 2019, số bưởi được dán nhãn là 3.500 quả, năm 2020 là 6.000 quả. Trong khi đó, chỉ tính riêng sản lượng bưởi thu hoạch hàng năm của các thành viên trong Hội trồng bưởi đã đạt trên dưới 1 triệu quả.

Chia sẻ về thực tế này, ông Tân cho biết: “Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỉ lệ bưởi được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường không cao là do tâm lý của chính những người trồng bưởi”.

Dù rằng chất lượng đã được khẳng định, có Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, thế nhưng đầu ra cho bưởi Vĩnh Tường hiện nay vẫn chủ yếu là qua các thương lái mà chưa tiếp cận được vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch, hay trên các sàn thương mại điện tử.

Do đó, giá bưởi trước và sau khi dán nhãn có chênh lệch nhưng không nhiều. Trừ chi phí in tem và công dán, thì mức chênh lên cũng chỉ đạt 2 nghìn đồng/quả. Do đó người trồng bưởi cũng không quá mặn mà với việc dán nhãn.

Mặt khác, việc kiểm định chất lượng trước khi dán nhãn cũng gặp trở ngại không nhỏ. Ông Tân chia sẻ thêm: “Để quản lý và bảo vệ thương hiệu, mỗi quả bưởi trước khi được dán nhãn và đưa ra thị trường đều phải trải qua khâu điểm định chất lượng.

Chỉ những sản phẩm đạt chất lượng về mẫu mã cũng như độ ngọt mới được dán nhãn. Việc kiểm định này do 7 thành viên trong BCH Hội trực tiếp thực hiện.

Tuy nhiên, diện tích trồng bưởi của các hội viên hiện nay chưa được tập trung mà nằm rải rác ở nhiều địa phương, khiến cho việc đi lại, thăm nắm, kiểm tra mất rất nhiều thời gian.

Chưa kể, kinh phí hoạt động của hội còn hạn hẹp, chưa có cơ chế hỗ trợ đối với công tác kiểm định chất lượng. Các thành viên trong tổ kiểm soát chủ yếu làm vì trách nhiệm, sự tâm huyết với cây bưởi”.

Trước những khó khăn trong quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, mới đây, trong buổi làm việc với Hội trồng bưởi Vĩnh Tường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn đề nghị Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường có những điều chỉnh trong cơ cấu tổ chức cũng như hoạt động của Hội đảm bảo tính chặt chẽ, xây dựng kế hoạch quản lý, và phát triển nhãn hiệu một cách có hiệu quả nhằm khai thác tốt lợi ích của Giấy chứng nhận được cấp mang lại cho sản phẩm.

Đồng chí yêu cầu Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường hỗ trợ Hội trồng bưởi huyện trong việc chuẩn hóa quy trình sản xuất góp phần nâng cao chất lượng bưởi, để bưởi Vĩnh Tường ngày càng vươn xa và khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72350/phat-trien-nhan-hieu-tap-the-buoi-vinh-tuong---huong-vi-dat-phu.html