Phát triển nhanh hạ tầng thanh toán điện tử

Bắt đầu triển khai từ năm 2017, sau nhiều bỡ ngỡ, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến đáng kể, số lượng các giao dịch qua các ngân hàng không ngừng tăng qua từng năm.

Từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã xây dựng đề án và kế hoạch đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, mục tiêu là 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn có thiết bị chấp nhận thẻ POS và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; tối thiểu 70% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; tối thiểu 98% số doanh nghiệp, đơn vị và 70% số cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ nộp thuế qua mạng; 75% đơn vị hưởng lương ngân sách Nhà nước bắt buộc triển khai việc thanh toán cá nhân qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, nhiều tiện ích…

Khách hàng thanh toán tiền qua máy POS tại Cửa hàng FPT, đường Bình Thuận, phường Tân Quang(TP Tuyên Quang). Ảnh: Hải Hương

Tính đến hết tháng 5-2020, trên địa bàn tỉnh đã có 78 cây ATM và 253 máy POS, so với kế hoạch giai đoạn 2017-2020, thì số lượng cả 2 loại máy này đều đã vượt kế hoạch, trong đó máy ATM vượt 7 máy, máy POS vượt 23 máy với khoảng 250.000 giao dịch/năm. Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt là có thể thanh toán trong cả ngày nghỉ, khi các ngân hàng không làm việc, và thanh toán vào bất cứ giờ nào trong ngày.

Ông Phạm Đức Thuận, Giám đốc Vietinbank Tuyên Quang cho biết, để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đơn vị chủ động cung cấp cho khách hàng những thông tin minh bạch, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cung ứng nhằm giúp khách hàng đánh giá đúng về tiện ích, giới hạn và rủi ro có thể gặp phải, các quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng cũng như trách nhiệm của ngân hàng trong bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Ông Thuận nhận định, dư địa cho thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất lớn, nhất là khi Chính phủ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Bằng chứng là qua từng năm, giao dịch phát sinh không dùng tiền mặt qua hệ thống Vietinbank Tuyên Quang tăng khoảng 30%. Nhiều dịch vụ như thanh toán tiền điện, thanh toán tiền nước… được người dân ủng hộ và tin dùng.

Chị Vũ Thị Hồng Huệ, Quản lý cửa hàng thời trang Ivy Moda tại Tuyên Quang cho biết, hiện tại cửa hàng chị có liên kết với các ngân hàng thương mại đặt máy thanh toán POS và quét QR Pay. Theo chị Huệ, phản hồi từ khách hàng với việc thanh toán không dùng tiền mặt rất tốt, khi khách hàng chỉ cần mang thẻ, hoặc điện thoại có cài đặt E-banking là có thể thanh toán được. Hiện tại hầu hết các giao dịch tại cửa hàng đều thực hiện qua các thẻ ngân hàng.

Không chỉ tại các đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại, ngay cả tại các cửa hàng, các máy POS, PR Pay cũng được lắp đặt để thuận tiện cho việc thanh toán của người dân. Chị Chu Thị Ly, chủ cửa hàng tự chọn Long Ly, phường Minh Xuân (thành phố Tuyên Quang) cho biết, số lượng người tiêu dùng lựa chọn thanh toán qua POS tại cửa hàng tuy chỉ dừng lại ở con số vài chục người/tháng, nhưng cửa hàng vẫn duy trì. Theo chị Ly, về lâu dài, đây là phương thức thanh toán an toàn cho chính những người bán hàng như chị.
Phía Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh căn cứ các quy định, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên theo từng hệ thống chủ động rà soát, đảm bảo hạ tầng thanh toán, phương tiện, trang thiết bị, phần mềm,… để hoạt động thanh toán thông suốt, kịp thời, an toàn. Phối hợp với các đơn vị trường học, bệnh viện trao đổi, kịp thời tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc về kỹ thuật nghiệp vụ, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các trường học, bệnh viện khi thực hiện tra soát, đối chiếu số liệu.

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng trong quá trình triển khai; nếu có vướng mắc, sai sót phải kiểm tra, xác định nguyên nhân và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để phản hồi, giải thích thấu đáo cho khách hàng. Sắp xếp, bố trí hợp lý mạng lưới POS theo hướng rà soát thu hồi những máy POS ít phát sinh giao dịch, nghiên cứu trang bị một số loại máy ATM tính năng hiện đại, cung ứng nhiều dịch vụ mới và có dịch vụ trợ giúp trực tuyến cho khách hàng ngay tại ATM; nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng hiện đại… Đồng thời, tiếp tục cung cấp các dịch vụ thanh toán phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/phat-trien-nhanh-ha-tang-thanh-toan-dien-tu-134135.html