Phát triển nông nghiệp bền vững
Lộc Ninh là địa phương có nhiều thế mạnh về đất đai, cơ sở hạ tầng thủy lợi để phát triển nông nghiệp. Cùng với xu thế của sự phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lộc Ninh đã và đang tận dụng lợi thế địa phương để xây dựng nền nông nghiệp đa dạng, hiệu quả và bền vững.
ĐỔI MỚI HƯỚNG ĐI
Với góc độ hiểu biết và nhìn nhận khác nhau, nhiều nông hộ ở huyện Lộc Ninh đã tự quyết định hướng đi phù hợp và mang lại hiệu quả. Điều này đòi hỏi người nông dân phải tư duy, nhạy bén. Để có được giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai khô cằn ở xã biên giới Lộc Thạnh, năm 2014, chị Nguyễn Thị Kim Chi sang Campuchia tìm giống xoài keo về trồng. Đây là giống xoài có ưu điểm dễ trồng, chịu hạn tốt, không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Năm 2019, chị Chi vận động một số hộ dân trong vùng thành lập Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Tân Lộc Thạnh để phát triển xoài keo. Đến nay, HTX có 21 thành viên với diện tích 38 ha, riêng gia đình chị Chi có hơn 15 ha. Với diện tích này, mỗi năm HTX cây ăn trái Tân Lộc Thạnh cung cấp ra thị trường gần 200 tấn trái với giá bán từ 7-12 ngàn đồng/kg, mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên.
Chị Chi chia sẻ: “Ở địa phương đất đai khô cằn, mùa nắng thì thiếu nước trầm trọng, để phát triển kinh tế gia đình đòi hỏi chúng tôi phải tư duy tìm kiếm cây trồng phù hợp. Qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy cây xoài keo là phù hợp nhất để phát triển. Hiệu quả thực tế đã được chứng minh trong thời gian qua”.
Do kinh tế gia đình khó khăn, gần 10 năm chăn nuôi bò nhưng hộ anh Trần Văn Cảnh ở ấp 8, xã Lộc Thái chỉ duy trì đàn được 4 con. Năm 2021, sau khi được vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, anh Cảnh không nuôi bò sinh sản như trước mà chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Với số vốn vay được, anh Cảnh mua thêm 12 con bò gầy, ốm nhưng có thân cao to về chăm sóc. Chỉ sau 3 tháng, anh đã cho xuất chuồng lứa đầu tiên với lợi nhuận 36 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Sau 1 năm, anh duy trì đàn với số lượng ổn định từ 20-25 con.
Anh Cảnh chia sẻ: “Nếu nuôi theo hướng sinh sản với điều kiện gia đình mình thì không thể nuôi được nhiều và rủi ro rất cao. Nuôi theo hướng vỗ béo tuy lợi nhuận không cao nhưng sau 3 tháng chăm sóc mình xuất 1 đợt, cứ gối đầu liên tục như vậy. Mình duy trì đàn ổn định hơn 20 con, mỗi năm thu lợi nhuận 12 triệu đồng/con mà công việc cũng nhẹ nhàng và bền vững hơn”.
PHÁT HUY LỢI THẾ ĐỊA PHƯƠNG
Lộc Ninh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, với gần 8.700 ha đất trồng cây hằng năm. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, huyện luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi. Hiện nay, toàn huyện có 17 công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho hơn 4.500 ha cây hoa màu các loại. Trong đó, đảm bảo nguồn nước thường xuyên phục vụ tưới tiêu cho hơn 3.500 ha lúa sản xuất 2-3 vụ/năm, với năng suất trung bình hơn 3,5 tấn/ha. Ngoài ra, Lộc Ninh còn có hơn 2.100 ha các loại cây ăn trái. Trên cơ sở đó, thời gian qua, các nông hộ, tổ hợp tác, HTX trên địa bàn huyện chú trọng đẩy mạnh phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 40 HTX và 39 tổ hợp tác đang hoạt động, phục vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Phước, Giám đốc HTX lúa sạch Lộc Quang chia sẻ: “Các loại cây trồng nói chung, người dân đều tận dụng lợi thế địa phương để phát triển làm sao mang lại hiệu quả cao nhất. Riêng đối với cây lúa nước có nhiều thuận lợi từ thổ nhưỡng đến nguồn nước và đảm bảo trồng 2-3 vụ/năm. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện cơ giới hóa toàn bộ từ làm đất, gieo trồng đến thu hoạch. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu lúa sạch Lộc Quang”.
Bên cạnh khuyến khích nông dân mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các ngành chức năng huyện còn quan tâm hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Huyện Lộc Ninh đã xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng vốn hơn 11 tỷ đồng, giải ngân cho 370 hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai giải ngân nguồn vốn ủy thác. Đến nay, đã hỗ trợ hơn 4.000 hội viên, nông dân vay với tổng dư nợ hơn 158 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ đó đã kịp thời giúp hội viên, nông dân có thêm tiềm lực mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Thị trường tiêu thụ ổn định là yếu tố rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất của nông dân. Do đó, để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường đòi hỏi phải xây dựng thương hiệu. Vì vậy, thời gian qua, các nông hộ, tổ hợp tác, HTX và các cấp, ngành huyện Lộc Ninh luôn quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, huyện Lộc Ninh có 29 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3-4 sao với nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như: tiêu hữu cơ, lúa gạo, hạt điều, bưởi, măng cụt…
Ông Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang chia sẻ: “Đối với bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng vậy, thương hiệu có vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp nông dân nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm mà còn là yếu tố quyết định sự thành công. Để có được thương hiệu đòi hỏi phải có thời gian kiểm chứng từ người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ. Ngược lại, để xây dựng thương hiệu, phải tổ chức sản xuất thật tốt, đảm bảo kỹ thuật, quy trình sản xuất đúng tiêu chuẩn…”.
“Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay huyện Lộc Ninh xây dựng được nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương như: các sản phẩm về hồ tiêu, cây ăn trái, hoa khô, trà thảo mộc, mỹ nghệ… Bên cạnh khuyến khích mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hội đã và đang tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm để thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh HOÀNG NGỌC ANH
Để sản phẩm của người nông dân được “bay cao” trên thị trường, các ngành chức năng của huyện còn tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm OCOP như: tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP… Đây là tiền đề để huyện Lộc Ninh đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, giá trị cây trồng, vật nuôi cho nông dân, doanh nghiệp.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/164607/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung