Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững

Nông nghiệp đô thị là hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên trong hoặc bên cạnh đô thị; nông nghiệp đô thị gắn chặt với hệ thống kinh tế - xã hội của đô thị, chịu sự tác động bởi quy hoạch, kế hoạch, chính sách và nhu cầu của đô thị. Nông nghiệp đô thị hướng đến ứng dụng công nghệ cao, áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất. Với tinh thần đó, Trà Vinh đã, đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững.

Sản xuất xơ tơ dừa ở xã Đại Phước, huyện Càng Long - vùng ven thành phố Trà Vinh ngày càng nhiều, giải quyết việc làm cho người dân.

Sản xuất xơ tơ dừa ở xã Đại Phước, huyện Càng Long - vùng ven thành phố Trà Vinh ngày càng nhiều, giải quyết việc làm cho người dân.

Thông tin từ Sở Xây dựng, Trà Vinh hiện có 13 đô thị: 01 đô thị loại II (thành phố Trà Vinh); 02 đô thị loại IV (thị xã Duyên Hải và thị trấn Tiểu Cần mở rộng) và 10 đô thị loại V, với 09 thị trấn: Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Cầu Quan, Trà Cú, Định An, Cầu Ngang, Mỹ Long, Long Thành và 01 xã Tân An mới được công nhận (với 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và 07 huyện: Châu Thành, Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần, Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú).

Hiện nay, 13/13 đô thị đã có quy hoạch chung đô thị được UBND tỉnh phê duyệt, các quy hoạch được công bố công khai theo quy định, về không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở, hướng đến ngày càng phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững, theo nguyên tắc tuân thủ quy hoạch đô thị, các chương trình, kế hoạch đầu tư, xây dựng phát triển đô thị.

Phải khẳng định rằng, vai trò của nông nghiệp đô thị là rất quan trọng, góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cho các đô thị. Tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận dân cư sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp do đô thị hóa hoặc yêu thích sản xuất nông nghiệp. Tạo cơ hội mới cho phát triển chiều sâu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Đồng chí Phạm Thanh Tiếng, Phó Chi cục trưởng - Chi cục Phát triển nông thôn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: toàn tỉnh hiện có 318 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 266 sản phẩm 3 sao, 42 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 5 sao và 7 sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Về vị trí, chủ thể của các sản phẩm OCOP hiện có, gần 70% tọa lạc tại các khu đô thị của tỉnh. Mặc dù cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nguồn nguyên liệu, nhưng đây là lợi thế quan trọng để xây dựng nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững.

Hiện nay, nông nghiệp đô thị của tỉnh mặc dù chưa phát triển mạnh như một số địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như kỳ vọng của ngành chuyên môn, nhưng đã và đang được sự quan tâm của các cấp, các ngành, người dân và chính quyền địa phương. Năm 2023, 02 làng nghề trồng hoa kiểng Vĩnh Yên và Long Bình (thành phố Trà Vinh) sản xuất hơn 450 ngàn chậu hoa kiểng các loại, doanh thu khoảng 16 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 350 lao động, thu nhập bình quân đầu người khoảng 7,7 triệu đồng/tháng.

Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững cần có hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác thải… đáp ứng nhu cầu của người dân, không làm ảnh hưởng đến đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị; tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp… nên nông nghiệp đô thị cần theo hướng công nghệ phù hợp; giảm phương thức sản xuất nông nghiệp tự phát, thiếu hợp tác, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị.

Theo đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đặc tính của đô thị thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, các mô hình nông nghiệp đô thị có thể áp dụng phù hợp, cần phát huy nhân rộng: trồng nấm công nghệ cao (nấm linh chi, bào ngư…); hoa kiểng, vườn lan kết hợp du lịch; rau, quả sạch trong nhà kính, nhà lưới (thủy canh, thẳng đứng)…

Với thực trạng, cũng như những thuận lợi và thách thức hiện nay, những giải pháp để phát triển nông nghiệp đô thị của tỉnh bền vững, cơ quan chuyên môn sớm khảo sát, đánh giá tổng thể. Triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP tại các địa phương để đa dạng hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển khởi nghiệp nông thôn và kinh tế hợp tác kết hợp với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân. Hỗ trợ người dân truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đặc trưng của nông nghiệp đô thị là diện tích sản xuất không lớn, do vậy ưu tiên phát triển những loại sinh vật cảnh hoặc đặc sản có giá trị, chất lượng đáp ứng theo thị trường. Tuy nhiên, cũng cần tổ chức sản xuất xen một số loại cây, con hiệu quả kinh tế cao tại thời điểm để tạo phong phú, đa dạng về hệ sinh thái nông nghiệp; cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho phát triển nông nghiệp đô thị. Đồng thời, hướng đến xây dựng trung tâm giao dịch, chợ đầu mối, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tổ chức thêm không gian trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương.

Để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững, cơ quan chuyên môn cần có những đề tài nghiên cứu khoa học; nghiên cứu thực trạng và đề xuất khả năng phát triển một số mô hình nông nghiệp đô thị ở thành phố Trà Vinh.

Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp đô thị là một trong những mục tiêu hướng đến. Nông nghiệp đô thị tại Trà Vinh có tiềm năng phát triển rất lớn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-do-thi-theo-huong-ben-vung-40935.html