Phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi

Nuôi thủy sản trong ao bán nổi là phương pháp nuôi mới, không cần đào ao, chỉ cần tạo dựng bờ trên mặt ruộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi trong ao truyền thống.

Mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm trong ao bán nổi của gia đình anh Vũ Minh Chiến, xã Đức Thắng (Tiên Lữ)

Tới thăm mô hình nuôi cá trong ao bán nổi của Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hưng Phát (Phù Cừ), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước quy mô và hệ thống ao nuôi ở đây được đầu tư xây dựng hiện đại, bố trí khoa học. HTX hiện có 24 thành viên với tổng diện tích nuôi thủy sản 50ha. Năm 2020, được sự hỗ trợ của tỉnh, HTX đã đầu tư xây dựng diện tích 4,5ha ao bán nổi. Đến nay, các thành viên trong HTX đã mở rộng diện tích lên 15ha chuyên nuôi thả các loại cá, tôm thương phẩm, sản lượng đạt từ 30 đến 35 tấn cá/ha/năm. Toàn bộ ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng với đầy đủ hệ thống cống cấp, thoát nước, quạt cung cấp ôxy cho cá...

Ông Hoàng Mạnh Ước ở thôn Vũ Xá, xã Tống Phan (Phù Cừ), một thành viên của HTX Thủy sản Hưng Phát cho biết: Gia đình tôi nuôi thủy sản nhiều năm nay. Từ năm 2012, tôi đã mạnh dạn cải tạo khu ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả rộng 2.200m2 của gia đình thành ao bán nổi để nuôi thủy sản. Mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt, ao nuôi diện tích lớn nhưng có hệ thống cho ăn, sục khí tự động nên không tốn quá nhiều nhân công. Hiện nay, tôi nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích ao bán nổi, sản lượng mỗi năm đạt từ 4 đến 4,5 tấn. Với giá bán từ 240.000 đến 280.000 đồng/kg, năm nay dự kiến tôi thu lãi trên 200 triệu đồng.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững, sản xuất gắn với liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, ngày 16.10.2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2342/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Dự án phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi giai đoạn 2019 – 2021”. Theo đó, các mô hình được hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Dự án hỗ trợ chi phí đào, đắp hệ thống đường giao thông trong khu nuôi thủy sản, hệ thống điện, hệ thống cống cấp, thoát nước phục vụ cho nuôi thủy sản... tổng trị giá hỗ trợ không vượt quá 70 triệu đồng/ha. Thực hiện dự án, tỉnh đã hỗ trợ cho 12 tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản trong tỉnh với diện tích 42ha.

Đồng chí Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Mô hình nuôi thủy sản trong ao bán nổi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản trong ao. Các cơ sở nuôi thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi, bảo đảm đáp ứng được điều kiện nuôi thâm canh theo hướng VietGAP; qua đó góp phần nâng cao năng suất; sản phẩm của các cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm nên giá trị sản phẩm được nâng cao và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của người dân. Với nhiều ưu điểm nổi trội so với ao truyền thống, mô hình nuôi thủy sản trong trong ao bán nổi đang được nhiều nông dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư.

Trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển đổi ruộng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang xây dựng ao bán nổi để nuôi thâm canh thủy sản; các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch nuôi thủy sản bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với nhu cầu thị trường và không phá vỡ quy hoạch.

Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202211/phat-trien-nuoi-thuy-san-trong-ao-ban-noi-8403926/