Phát triển robot thay trẻ bị bệnh đến trường

Với trẻ mắc bệnh mãn tính không thể đến trường, việc xa rời lớp học và bạn bè có thể đem lại hệ quả không kém bệnh tật.

Để giúp đỡ trẻ em đang điều trị bệnh dài hạn hoặc gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, Công ty No Isolation (Na Uy) phát triển robot AV1 thay thế trẻ đến trường. Chúng đóng vai trò mắt, tai và giọng nói của các em, đồng thời giúp duy trì kết nối với bạn bè và thầy cô.

AV1 trông như tượng bán thân đơn giản màu trắng, xoay được 360 độ, được trang bị đầy đủ camera, micro lẫn loa. Giáo viên đặt robot trên bàn rồi để học sinh vắng mặt điều khiển từ xa bằng ứng dụng.

Giám đốc tiếp thị No Isolation Florence Salisbury cho biết: “Các em dễ dàng quan sát lớp học thông qua thao tác chạm hay vuốt trên màn hình, trao đổi với giáo viên hay bạn học thông qua loa. Ứng dụng tích hợp cả tính năng giơ tay phát biểu khiến đèn robot nhấp nháy”.

Theo bà Salisbury, hiện có 3.000 AV1 đang hoạt động tại 17 quốc gia chủ yếu ở Anh và Đức. Tại Anh, các trường có thể thuê với giá 150 bảng (200 USD) mỗi tháng hoặc mua một lần với giá 3.700 bảng (4.960 USD) kèm gói dịch vụ bổ sung 780 bảng (1.045 USD) mỗi năm.

Lợi ích lớn nhất của robot là duy trì quan hệ xã hội.

Một học sinh 15 tuổi ở hạt Warwickshire nhờ AV1 mà giữ được kết nối với bạn bè, thậm chí còn “cùng ăn trưa” với họ. “Lúc vắng mặt dài ngày, mối liên kết trường học sẽ là “phao cứu sinh” cho các em, đặc biệt là những em bị bệnh”, bà Salisbury nhấn mạnh.

Tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư Chartwell Cancer Trust cung cấp 25 AV1 cho trẻ mắc bệnh nặng. Nhà sáng lập Michael Douglas cho biết robot giúp trẻ em tiếp tục học tập ngay cả khi đang trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Vào tháng 6, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Frontiers in Digital Health ghi nhận việc sử dụng robot hỗ trợ như AV1 sở hữu tiềm năng giúp trẻ em duy trì kết nối xã hội và giáo dục. Nghiên cứu cũng đề xuất cần đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng công nghệ này, đồng thời đào tạo kỹ thuật liên quan cho giáo viên.

Bà Salisbury nhấn mạnh robot không thu thập dữ liệu cá nhân, ứng dụng dùng kèm ngăn chụp màn hình hay ghi âm. Nội dung lớp học cũng được mã hóa và mỗi thời điểm chỉ có thể kết nối với một thiết bị.

Ngoài AV1, thị trường còn có robot tương tự như VGo hay Buddy. Chúng được trang bị bánh xe di chuyển khắp trường cùng màn hình hiển thị gương mặt. Tuy nhiên, bà Salisbury cho biết thiết kế nhỏ gọn của AV1 cho phép giáo viên và học sinh bỏ chúng vào ba lô đem đi và việc robot không màn hình loại bỏ áp lực phải lộ mặt.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phat-trien-robot-thay-tre-bi-benh-den-truong-224537.html