Phát triển sản xuất tôm - lúa theo hướng an toàn, hiệu quả

Sản xuất tôm - lúa là loại hình nuôi trồng có thế mạnh ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao và Hòn Đất đóng góp sản lượng lớn tôm nuôi cho Kiên Giang. Phát huy thế mạnh này, thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển sản xuất tôm - lúa theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Năm 2022, sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình sản xuất tôm - lúa của tỉnh Kiên Giang hơn 61.310 tấn, chiếm 55% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Ngoài tôm, nông dân còn thu sản lượng lúa hàng trăm ngàn tấn phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh sản xuất hơn 106.000ha tôm - lúa, đạt 98% kế hoạch, sản lượng thu hoạch trên 30.000 tấn.

Một số nông dân vùng trọng điểm sản xuất tôm - lúa của tỉnh cho rằng đây là mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, vừa đem lại hai nguồn lợi kinh tế chủ yếu là tôm và lúa vừa góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Ông Lê Văn Hải, ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang), là thành viên Hợp tác xã Thạnh Hòa nói: “Từ khi Hợp tác xã Thạnh Hòa thành lập, phát triển sản xuất tôm - lúa rất hiệu quả, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên khá, giàu. Gia đình tôi sản xuất 3ha tôm - lúa và kết hợp thả nuôi cua. Hàng năm thu hoạch tôm bình quân 400-500kg/ha và 5-6 tấn lúa/ha, lợi nhuận 300-400 triệu đồng/năm. Tôm và lúa thu hoạch là sản phẩm sạch, chất lượng cao, được doanh nghiệp đặt hàng thu mua chế biến xuất khẩu”.

Nông dân ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh (An Minh) thu hoạch tôm nuôi.

Nông dân ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh (An Minh) thu hoạch tôm nuôi.

Theo ông Hải, để sản xuất hiệu quả, Hợp tác xã Thạnh Hòa thường xuyên tổ chức hội thảo đầu bờ có sự tham gia của các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Thành viên hợp tác xã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nuôi tôm, trồng lúa, kết hợp với hướng dẫn chuyên môn của cán bộ kỹ thuật, chuyển giao quy trình canh tác để ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Mặt khác, hợp tác xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức tham quan trực tiếp những mô hình sản xuất tôm - lúa hiệu quả để thành viên học tập kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Việt Ảnh - Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Hòa cho biết, tổng diện tích sản xuất tôm - lúa của hợp tác xã hơn 80ha. Tôm nuôi gần như nuôi sinh thái tự nhiên, chỉ sử dụng men vi sinh trong cải tạo ao, xử lý nguồn nước.

Trồng lúa thì chọn giống chất lượng cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cho sản phẩm sạch, chất lượng tốt, được các doanh nghiệp, công ty đặt hàng bao tiêu sản phẩm, thu mua chế biến xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất tôm - lúa, thành viên hợp tác xã còn thả nuôi xen cua, tôm càng xanh để tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, khó khăn của nông dân Kiên Giang trong sản xuất tôm - lúa là giá tôm và lúa thường không ổn định; giá vật tư nông nghiệp, xăng, dầu tăng cao. Nhiều nơi thiếu hệ thống điện bơm tưới. Ông Nguyễn Việt Ảnh cho rằng để mô hình tôm - lúa sản xuất bền vững, hiệu quả cần ổn định giá tôm ở mức 200.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), khoảng 180.000 đồng/kg (loại hơn 30 con/kg) và giá lúa 9.000-10.000 đồng/kg thì nông dân sản xuất mới có lợi nhuận khá.

Phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kiên Giang phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong đó phát triển sản xuất tôm - lúa theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 ổn định diện tích sản xuất tôm - lúa 117.340ha, sản lượng tôm từ 70.675 tấn trở lên, chiếm khoảng 45% tổng sản lượng tôm nuôi thu hoạch toàn tỉnh.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, thời gian qua, đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả hoặc không đảm bảo nguồn nước tưới, tỉnh khuyến khích nông dân chuyển sang mô hình tôm - lúa. Mô hình này đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha, tăng lên 100-130 triệu đồng/ha.

“Tỉnh tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển sang phát triển mô hình tôm - lúa này đối với diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập từ 3 tháng trở lên phù hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh gia tăng sản lượng nuôi trồng trên đơn vị diện tích thông qua áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, các hình thức liên kết sản xuất hướng đến phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, đồng chí Quảng Trọng Thao nói.

Tiếp tục phát triển mô hình tôm - lúa, Kiên Giang sẽ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa. Tỉnh kiện toàn, củng cố, thành lập mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm - lúa trọng điểm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Song song đó, tỉnh Kiên Giang tiếp tục rà soát hiện trạng diện tích đất trồng lúa ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và những vùng khác bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập để có thể chuyển đổi sản xuất lúa - tôm kết hợp hoặc nuôi tôm nước lợ. Phát triển sản xuất tôm - lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái… theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng, vùng nuôi tôm.

Hướng dẫn nông dân kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến gắn với an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm. Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông, điện phục vụ nuôi trồng thủy sản trọng điểm vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng…

Bài và ảnh: LÊ HUY HẢI

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-nghiep/phat-trien-san-xuat-tom-lua-theo-huong-an-toan-hieu-qua-16097.html