Phát triển thương hiệu sản phẩm, hướng đi tất yếu của doanh nghiệp

Đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp (SP, DN) góp phần xây dựng thương hiệu địa phương, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững là hướng đi tất yếu TP Hồ Chí Minh đang thực hiện. Thành phố sẽ định vị phát triển thương hiệu SP tạo động lực cho DN phát triển, cũng như quản trị chiến lược thương hiệu theo đúng chuẩn quốc tế.

Yêu cầu cao về thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp

Hiện nay, xây dựng thương hiệu cho SP, DN của TP Hồ Chí Minh đang trở thành nhu cầu cấp thiết của chính quyền thành phố và của cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Thành phố chỉ có gần 24% tổng số DN có vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại là DN vừa, nhỏ và rất nhỏ. Ngoài ra, SP tiêu biểu của thành phố chưa có nhiều thương hiệu quốc gia và quốc tế. Quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương, kinh tế Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng không còn phụ thuộc vào thị trường cụ thể và thị trường nội địa. Thành phố đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, là điều kiện thuận lợi và cũng đặt ra yêu cầu cao đối với DN trong nước. Đó là phải xây dựng được thương hiệu cho SP và DN; đồng thời còn là lợi thế cạnh tranh bền vững của DN để khẳng định vị trí tại thị trường trong nước và quốc tế.

Theo PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh, Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Để xây dựng thành công một thương hiệu, yếu tố cốt lõi luôn là SP với khả năng thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, có SP tốt là điều kiện cần, hoạt động xây dựng thương hiệu phải được thấm nhuần và truyền cảm hứng đến từng người lao động trong DN. Xây dựng thương hiệu vừa là thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, vừa theo đuổi giá trị cốt lõi và tối đa hóa lợi ích cho khách hàng thông qua SP, cũng như quá trình cung ứng, giao tiếp chính là điều kiện đủ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) thông tin: Để đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt hiện tại của thị trường bán lẻ, Saigon Co.op phải có chiến lược xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp và khẳng định vị thế là mô hình hợp tác xã thành công điển hình của cả nước. Saigon Co.op đã phát triển thành công hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại mới tại Việt Nam phủ kín hầu hết các phân khúc bán lẻ và tiếp tục hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2025. Quá trình hoàn thiện SP, phát triển bộ nhận diện thương hiệu, các giao tiếp nội bộ và phát triển giao tiếp ra bên ngoài cần được đo lường và đánh giá thông qua sự cảm nhận từ phía khách hàng và công chúng.

Bước đi phù hợp, chuẩn hóa quốc tế

TP Hồ Chí Minh đã xác định 10 nhóm SP chủ lực về công nghiệp và nông nghiệp của hơn 100 DN hoạt động trên địa bàn, đạt sức cạnh tranh cao đối với thị trường trong và ngoài nước. Nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho DN, thành phố ban hành chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ DN đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, chính sách hỗ trợ các DN sản xuất những SP công nghiệp chủ lực và tiềm năng về mặt bằng, vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.

Theo các chuyên gia kinh tế, xây dựng và phát triển thương hiệu SP, DN đại diện cho thành phố, cần tập trung vào các yếu tố: Thương hiệu phải được xây dựng và phát triển dựa trên các tiêu chí bình chọn cụ thể, minh bạch và bảo đảm yêu cầu tuân thủ luật pháp, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các thương hiệu SP, DN đến những thị trường quốc tế. Cuối cùng là sự hỗ trợ DN từ phía Nhà nước về các vấn đề chính sách, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu, đặc biệt là vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Trao đổi về vấn đề này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đưa ra đề xuất các bước thực hiện xây dựng thương hiệu SP, DN cho thành phố. Đó là đánh giá hiện trạng, xây dựng tiêu chí lựa chọn SP chủ lực, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đối với SP mang thương hiệu thành phố và thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận SP thương hiệu.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Để hướng đến phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững, DN cần phát triển lớn mạnh, có tính liên kết ngành, liên kết giữa các DN và ngày càng có nhiều DN lớn, thương hiệu mạnh, dẫn dắt các DN nhỏ và vừa cùng phát triển. Thành phố rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển các thương hiệu SP, DN. Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu SP, DN, tập trung hoàn thành đề án xây dựng thành phố trở thành khu đô thị thông minh gắn với đô thị sáng tạo.

HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-thuong-hieu-san-pham-huong-di-tat-yeu-cua-doanh-nghiep-607053