Phát triển và 'giữ chân' nguồn nhân lực là thách thức lớn

Để khôi phục kinh tế-xã hội sau đại dịch nhằm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đầu tư cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng nên chú trọng giai đoạn đào tạo tiền lao động, chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận từ xa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng nên chú trọng giai đoạn đào tạo tiền lao động, chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận từ xa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, điều quan trọng nhất lúc này là cần phải nỗ lực thích ứng với dịch bệnh để phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những giải pháp để chủ động ứng phó với dịch bệnh là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội.

Chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay còn nhiều hạn chế, đặc biệt dịch COVID-19 bùng phát khiến nguồn nhân lực vốn yếu về chất lượng, lại đối diện thêm với thách thức thiếu về số lượng do lực lượng lao động dịch chuyển về các khu vực nông thôn, rời bỏ các khu công nghiệp, khu đô thị lớn. Bởi vậy, để khôi phục kinh tế-xã hội sau đại dịch nhằm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng; cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nguồn nhân lực theo 2 nhánh cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cả lao động trong nước và lao động xuất khẩu ra nước ngoài.

Cải cách tiền lương là một giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), nên chú trọng giai đoạn đào tạo tiền lao động, chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận từ xa. Trong đó, triển khai hiệu quả công tác phân luồng các nhóm học sinh tham gia đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nghiên cứu, đánh giá các nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai để lựa chọn đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp có tính đón đầu xu hướng.

Đối với nguồn nhân lực hiện có, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cần tăng cường công tác bồi dưỡng nhằm đáp ứng trình độ, tiêu chuẩn mà thực tiễn yêu cầu, tạo cơ hội để người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt, cần có những chính sách khuyến khích giữ chân lao động chất lượng cao ở thị trường lao động trong nước, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. “Đây là thực trạng đáng buồn đã xảy ra trong một thời gian dài. Chúng ta không chỉ đối diện với tình trạng nguồn nhân lực từ Việt Nam dịch chuyển ra nước ngoài, mà đối với khu vực công, giữ chân nguồn nhân lực có tài, có tầm cũng là một bài toán khó”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khối nhà nước là các chính sách cải cách tiền lương. Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc cải cách tiền lương trong những năm qua vẫn tương đối rụt rè. Đại biểu cho rằng cải cách tiền lương không phải là việc chúng ta chi thêm từ nguồn ngân sách ít ỏi để tăng thêm lương cho người lao động mà phải coi đó là sự đầu tư quan trọng vào nhân tố quan trọng nhất, đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững là nhân tố con người.

“Nhìn nhận ở góc độ khác, cải cách tiền lương chính là một giải pháp phòng ngừa tham nhũng, bảo toàn nguồn nhân lực trước những gánh nặng mưu sinh. Tham nhũng khiến cho có những cá nhân vốn là nguồn nhân lực chất lượng cao, là tinh hoa của đất nước lại trở thành mối nguy cho đất nước, không những không đóng góp cho sự phát triển của quốc gia mà còn gây biết bao thiệt hại nặng nề. Có những thiệt hại khó có thể khắc phục được trong ngày một, ngày hai, đó là sự giảm sút lòng tin của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế khi muốn đầu tư tại Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng môi trường lao động văn minh, tiến bộ, công bằng trong khu vực công, đó là minh bạch trong đánh giá và tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tinh giản bộ máy và biên chế, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng để thanh lọc nguồn nhân lực, làm tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Còn đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước là xây dựng một nền kinh tế hội nhập, năng động, có tính toàn cầu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tích cực đầu tư sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tất cả các giải pháp này chúng ta đã đề cập nhưng rõ ràng kết quả chưa có sự chuyển biến rõ rệt nên cần quan tâm với những giải pháp rõ ràng và hiệu quả hơn.

“Giữ chân” và sử dụng nhân lực một cách hiệu quả

Theo các đại biểu Quốc hội, đào tạo phát triển nhân lực đã khó nhưng “giữ chân” và sử dụng nhân lực một cách hiệu quả còn khó hơn rất nhiều lần. Bởi vậy, chú trọng đến xây dựng, phát triển, bảo vệ nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao trong hệ thống các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025 là vô cùng cần thiết, nhất là khi càng ngày chúng ta càng phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh khốc liệt trên quy mô toàn cầu với những thách thức lớn đến từ thiên tai, dịch bệnh và nhất là nguyên nhân của những hạn chế được nêu trong báo cáo của Chính phủ phần lớn lại bắt nguồn từ năng lực còn yếu kém của một bộ phận cán bộ lãnh đạo.

Đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng) cho rằng chúng ta cần xây dựng các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục sau đại dịch. Hiện nay, tỉ lệ lao động mất việc làm lớn. Việc người dân di cư hồi hương cho thấy các doanh nghiệp khi khôi phục sản xuất sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực lao động, dẫn đến khó khăn rất lớn trong sản xuất và cung ứng dịch vụ. Do đó, chúng ta cần quan tâm việc đào tạo mới và đào tạo lại lao động thông qua các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục trên cơ sở cơ cấu lại một số ngành, nghề, hình thành những ngành mới. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp sắp tới phải đảm bảo dự báo được tình hình chuyển đổi nghề và đảm bảo tính định hướng.

Trao đổi về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cho rằng, hiện nay số lượng các trường đại học ngày càng nhiều, đầu vào tuyển sinh của một số trường thấp, định hướng nghề nghiệp trong phổ thông chưa cao, dẫn đến một số phụ huynh học sinh thiếu định hướng, các trường nghề tuyển sinh rất khó khăn. Theo đại biểu, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học, siết chặt tổ chức giáo dục đại học. Đối với giáo dục nghề nghiệp, cần đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút nguồn vốn, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhất là giải pháp kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp rất quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu doanh nghiệp phục hồi và phát triển sẽ tạo nguồn thu bền vững trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Nội dung nguồn nhân lực chất lượng cao gắng liền với nền kinh tế số cũng được các đại biểu đề cập. Giải pháp về phát triển kinh tế số được đề cập nhiều trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Gói hỗ trợ chuyển đổi số cũng được Chính phủ đề xuất. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, để thực hiện phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, vấn đề cốt lõi và quan trọng là ở đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

“Một trong những nguồn nhân lực chất lượng cao mà thời gian qua dường như chúng ta đã bỏ sót, khai thác không hiệu quả, hay nói cách khác là bị chảy máu chất xám, đó là các du học sinh nhận được học bổng từ các trường đại học nước ngoài. Nhiều em sau khi tốt nghiệp không trở về nước mà ở lại làm việc, được các tập đoàn, công ty nước ngoài trả lương cao, môi trường làm việc tốt. Thậm chí, trong đại dịch COVID-19 vừa qua có nhiều người bản địa ở một số nước thất nghiệp nhưng những lưu học sinh của chúng ta ở lại làm việc lại không bị ảnh hưởng gì. Điều đó cho thấy chất lượng nguồn nhân lực này là rất cao”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ chia sẻ.

“Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ái quốc vĩ đại đã vô cùng thành công trong việc "Chiêu hiền đãi sĩ", chỉ một lời kêu gọi đúng lúc, đúng chỗ, đúng người cần vận động, Người đã kêu gọi được các chiến sĩ yêu nước, các nhà khoa học, tầng lớp trí thức như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tạ Quang Bửu trở về nước cống hiến, góp phần làm nên công cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Đây là bài học quý báu cho việc thu hút và trọng dụng nhân tài, lực lượng tạo nên mặt chất trong công cuộc phát triển của đất nước ngày nay”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phân tích. Vì vậy, Đại biểu cho rằng, để Việt Nam trở thành một nước hùng cường theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, triển khai thành công mục tiêu kinh tế số và chuyển đổi số cần thiết phải có chiến lược, chính sách rất mạnh mẽ từ việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài trở về nước công tác, cống hiến.

Hải Liên

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/phat-trien-va-giu-chan-nguon-nhan-luc-la-thach-thuc-lon/452547.vgp