Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

“Hướng về cơ sở phát triển văn hóa đọc để nâng cao trình độ dân trí cộng đồng” là mục tiêu quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở tỉnh ta. Thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện để các thư viện, tủ sách phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động để phục vụ bạn đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Học sinh tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tại huyện Phù Cừ

Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện tỉnh thường xuyên đổi mới hoạt động, mở rộng liên kết với các nhà xuất bản, nhà sách, các tổ chức ủng hộ sách, báo cho thư viện, nâng cao số lượng, chất lượng sách, báo, tạp chí. Thực hiện phương châm “Sách tìm bạn đọc”, Thư viện tỉnh đã thực hiện luân chuyển sách, báo để người đọc ở các huyện, thị xã, thành phố được tiếp cận với nhiều cuốn sách hay. Thư viện tỉnh hiện có khoảng 170.000 cuốn sách phục vụ bạn đọc với đầy đủ các thể loại: Văn học, lịch sử, khoa học, tự nhiên, xã hội, chính trị, luật, sách Tiếng Anh, báo, tạp chí… và các loại sách, truyện dành cho thiếu nhi, phục vụ hàng nghìn lượt bạn đọc/năm. Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid - 19, Thư viện tỉnh đã luân chuyển được gần 43 nghìn lượt sách, báo đến thư viện các địa phương và các tủ sách để độc giả tiếp cận được nhiều ấn phẩm hơn.

Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp ủy, chính quyền trong việc khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở, phong trào đọc sách có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 10 thư viện cấp huyện, thị xã, thành phố; 2 thư viện cấp xã, 808 thư viện, tủ sách thôn, tổ dân phố và 115 điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ sách, báo. Thư viện thị xã Mỹ Hào hiện có hơn 7.000 cuốn sách và 14 đầu báo, tạp chí. Hàng năm, Thư viện thị xã phối hợp với các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tổ chức các giờ học ngoại khóa, hội thi kể chuyện, đọc sách cho học sinh trong dịp hè tạo sân chơi bổ ích cho các em. Bình quân mỗi năm, Thư viện thị xã luân chuyển từ 3-5 đợt sách xuống cơ sở với 100-150 cuốn sách; trong đó sách văn học - nghệ thuật chiếm 40%, sách kinh tế nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật chiếm 30%, sách chính trị - xã hội chiếm 15%, còn lại là các báo, tạp chí, ấn phẩm, truyện tranh.

Ở huyện Phù Cừ, hoạt động của Thư viện huyện đã góp phần duy trì và phát triển phong trào đọc sách, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân vùng nông thôn. Ngoài ra, hầu hết các thôn, tổ dân phố trong huyện đều xây dựng được tủ sách với đa dạng các loại sách, báo thuộc nhiều lĩnh vực. Điều ghi nhận ở một số mô hình thư viện, tủ sách cơ sở tại huyện Phù Cừ đó là tâm huyết, nhiệt tình của những người cao tuổi, các bí thư chi bộ, trưởng thôn khởi xướng, thành lập và duy trì tủ sách. Tiêu biểu như thư viện của gia đình ông Bùi Đình Thăng, thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào được thành lập, hoạt động từ năm 1990 đến nay với trên 10.000 cuốn sách, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bạn đọc.

Cùng với phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp, các mô hình tủ sách lớp học, thư viện trường học, trên địa bàn tỉnh ta đã được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 378 thư viện của các trường học. Các trường học thường xuyên đầu tư, cập nhật, bổ sung nguồn tài liệu cho các mô hình “Thư viện thân thiện’’, “Thư viện xanh” để phục vụ nhu cầu mượn và đọc sách của cán bộ, giáo viên và học sinh. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường đã đầu tư thư viện điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo của cán bộ, giáo viên và học sinh. Mỗi năm, các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho mượn đối với những học sinh là con gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không để các em thiếu sách học, đọc. Để học sinh hứng thú với việc đọc, nghiên cứu sách, báo, thông qua giờ sinh hoạt tập thể ở các lớp, nhà trường phát động học sinh kể chuyện theo sách theo các chủ đề về: Danh nhân văn hóa, lãnh tụ của đất nước, các vấn đề về thời sự trong cuộc sống thường ngày. Nhiều trường học khuyến khích cho học sinh tham gia các CLB sách: CLB sách lịch sử, CLB sách văn học, CLB sách khoa học…

Hiện nay, các địa phương, đơn vị đang tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên tham gia Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” và “Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022”. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động, như: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”; chương trình “Thanh niên và văn hóa đọc”, trong đó, trưng bày, triển lãm sách, báo và xếp mô hình sách nghệ thuật; tổ chức cấp thẻ thư viện miễn phí cho bạn đọc tại Thư viện tỉnh; tặng sách và bàn ghế cho các tủ sách cơ sở, thư viện trường học… Những hoạt động thiết thực đó cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc tại hệ thống thư viện, tủ sách cộng đồng ở tỉnh ta đang là cầu nối đưa tri thức tới các tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng thế hệ con người Hưng Yên giàu tri thức, hiểu biết sâu rộng, thích ứng tốt hơn với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Lê Hiếu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202204/phat-trien-van-hoa-doc-trong-cong-dong-dd83744/