Phát triển vùng chuyên canh hoa màu dọc sông Ba

Người dân thôn Phú Nông chăm sóc ruộng mướp đang kỳ ra hoa, đậu trái. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Nhờ chủ động được nguồn điện và nước phục vụ sản xuất nên người dân ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) đã hình thành nên một vùng chuyên canh hoa màu hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.

Có điện, nước, đất hoang thành đất sản xuất

Theo UBND xã Hòa Bình 1, trước đây, khu đất bãi bồi rộng lớn dọc sông Ba đoạn qua các thôn Lạc Nghiệp và Phú Nông chỉ được tận dụng để trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Sau này, bà con cải tạo để trồng rau màu nhưng không hiệu quả vì điện, nước chưa có nên việc canh tác bấp bênh. Nhận thấy vùng đất này thường xuyên được phù sa bồi đắp, diện tích lại rộng lớn rất phù hợp để trồng hoa màu nên từ năm 2008, địa phương đã đầu tư kéo đường điện, hỗ trợ người dân khoan giếng lấy nước phục vụ sản xuất. Đến năm 2013, khi vùng sản xuất được mở rộng, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, xã đã kiến nghị và Điện lực Tây Hòa kéo đường dây mới đảm bảo phụ tải cho bà con bơm tưới. Từ khi có điện, nước đầy đủ, người dân bắt đầu mở rộng diện tích canh tác, ổn định sản xuất quanh năm và hình thành nên vùng chuyên canh hoa màu rộng hơn 173ha dọc sông Ba cho đến nay.

Ông Lê Văn Dữa ở thôn Phú Nông cho biết: Hiện gia đình tôi canh tác 10 sào (500m2/sào) hoa màu tại khu vực này. Bình quân mỗi năm tôi làm được 3 vụ, luân canh giữa dưa hấu, bắp và rau màu. Vùng này đất thường xuyên được sông Ba bồi đắp phù sa nên rất màu mỡ, cây trồng luôn đạt năng suất, hoa quả tươi tốt, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng.

Tương tự, khoảng 10 năm nay, gia đình ông Lương Tấn Lam ở thôn Phú Nông cũng thuê 3 sào đất từ địa phương để trồng mướp, bí xanh. Theo ông Lam, nhiều năm nay, xã Hòa Bình 1 đầu tư mở rộng đường dẫn vào khu sản xuất, nên việc vận chuyển nông sản sau thu hoạch khá thuận lợi, thương lái cũng không còn lý do để ép giá nữa.

Những ngày cuối tháng 7, sau khi thu hoạch và trúng đậm vụ dưa hấu, bà con ở vùng này tất bật xuống giống vụ rau màu tiếp theo. Ông Trần Văn Toàn, một hộ dân đang canh tác ở khu này, cho biết: Tận dụng các luống dưa đã được phủ bạt sau thu hoạch, gia đình tôi trồng mướp vào. Cách làm này giúp việc xuống giống nhanh và tiết kiệm đáng kể chi phí. Bên cạnh đó, chân đất được chăm sóc sau vụ dưa hấu rất tốt và thích hợp để trồng mướp nên lúc nào cũng cho sản lượng cao. Vì vậy, hầu hết bà con ở đây vụ này đều trồng mướp hoặc bí xanh. Sau vụ này, chúng tôi sẽ cho đất nghỉ, chờ lũ sông Ba bồi phù sa, đến tháng 10 âm lịch sẽ xuống giống vụ mới.

Hiệu quả kinh tế cao

Với 10 sào đất bãi bồi sông Ba được chính quyền cho thuê để canh tác hoa màu, nhiều năm qua, gia đình ông Lê Văn Dữa đã xây dựng mô hình chuyên canh hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình có thu nhập ổn định. Ông Dữa cho biết: Lúc trước chỉ dựa vào mấy sào ruộng lúa nước nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, vợ chồng tôi phải làm thêm nhiều việc mới đủ nuôi con. Từ khi thuê được 10 sào đất này, tôi luân canh xen kẽ giữa dưa hấu phủ bạt - mướp, bầu, bí - bắp. Dưa hấu cho sản lượng khoảng 12 tấn/vụ, bắp khoảng 30 tạ/vụ. Bình quân mỗi năm từ trồng hoa màu, gia đình tôi có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Còn theo bà Bốn Bạch ở thôn Lạc Nghiệp, gia đình bà vừa thu hoạch xong vụ dưa hấu với tổng sản lượng khoảng 15 tấn, bán được giá từ 5.000-7.000 đồng/kg, mang về nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng, nhờ dưa có giá nên vụ này cho lãi đậm. “Hiện gia đình tôi thu hoạch vét lứa dưa hấu cuối cùng, sau đó sẽ làm đất trồng lại bí xanh, dưa leo, nếu vụ tới tiếp tục thuận lợi thì năm nay gia đình tôi thắng lớn, thu nhập hơn 200 triệu đồng”, bà Bốn Bạch chia sẻ.

Tương tự, gia đình ông Phan Văn Minh ở thôn Phú Nông cũng tham gia sản xuất hoa màu gần chục năm qua. Ông Minh cho hay: Từ khi trồng dưa hấu, bắp lai xen canh rau màu cộng với chủ động nguồn nước tưới, hoạt động sản xuất của gia đình ổn định. Năm ngoái, chúng tôi trồng 1 vụ dưa hấu, 1 vụ bắp và 1 vụ rau màu thu đông cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/10 sào. Năm nay, gia đình sản xuất được 2 vụ dưa hấu, nhờ dưa bán có giá nên lãi 100 triệu đồng.

Mô hình trồng dưa hấu, bắp luân canh với các loại rau màu ở vùng đất bãi bồi dọc sông Ba mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định. Địa phương đang phát triển khu vực này thành vùng chuyên canh hoa màu chất lượng cao. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các mô hình sản xuất hoa màu hữu cơ, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận và ổn định đầu ra.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình 1 Nguyễn Ngọc Châu

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/281419/phat-trien-vung-chuyen-canh-hoa-mau-doc-song-ba.html