Phát triển vùng DTTS: Tìm lời giải cho những con số

Mới đây, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị công bố Kết quả Điều tra lần thứ 2 về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS (Điều tra 53 DTTS). Những con số được công bố cho thấy, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để vùng DTTS và miền núi tiến gần với mặt bằng chung của cả nước.

Cuộc Điều tra 53 DTTS lần thứ 2 được thực hiện từ ngày 1 đến 31/10/2019 tại 5.468 đơn vị hành chính cấp xã; 503 đơn vị hành chính cấp huyện, 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. So với cuộc điều tra lần thứ nhất (năm 2015), cuộc Điều tra 53 DTTS lần thứ 2 ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào điều tra nên chất lượng số liệu được nâng cao, quá trình xử lý thông tin được rút ngắn.

Theo kết quả Điều tra 53 DTTS, tính đến tháng 10/2019, 97,2% số thôn vùng DTTS đã được sử dụng điện lưới quốc gia

Theo kết quả Điều tra 53 DTTS, tính đến tháng 10/2019, 97,2% số thôn vùng DTTS đã được sử dụng điện lưới quốc gia

Bên cạnh những đổi thay tích cực trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, thực trạng đói nghèo… những con số điều tra đã chỉ ra “mảng tối” trong bức tranh chung của vùng DTTS. Đó là, đến nay, tại vùng DTTS và miền núi, đường giao thông tại 6.337 thôn, bản vẫn là đường đất, đường tạm, đi lại rất khó khăn; 809 thôn, bản chưa có điện; vẫn còn 1.884 trường học bán kiên cố và đơn sơ; tỷ lệ hộ nghèo DTTS đã giảm nhưng số hộ DTTS có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% lại tăng từ 7 dân tộc (năm 2015) lên 13 dân tộc (năm 2018). Trong đó, có các dân tộc như: La Hủ, Cống, Mảng, Xinh Mun, Vân Kiều, Ơ Đu, Mông, Khơ Mú... Có nhóm dân tộc tuổi thọ trung bình chỉ đạt 54,9 tuổi.

Đánh giá về những con số mà cuộc Điều tra 53 DTTS thu thập được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng: Việc tiếp cận dịch vụ xã hội của đồng bào DTTS được cải thiện; nhiều lĩnh vực có kết quả tăng trưởng tích cực... là minh chứng cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh vùng DTTS và miền núi. So với 5 năm về trước, vùng DTTS đã từng bước “thay da đổi thịt”, đời sống của đồng bào 53 DTTS nhìn chung được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, “mảng tối” còn tồn tại trong đời sống đồng bào vùng DTTS và miền núi đang đặt ra cho những người làm công tác dân tộc nhiều trăn trở về việc xây dựng được các chính sách phù hợp, hiệu quả …

Nếu như trước đây vì thiếu những số liệu điều tra chính xác, công tác dân tộc tại nhiều nơi, nhiều lĩnh vực gặp không ít khó khăn; hiệu quả không như mục tiêu đặt ra; thì với cuộc Điều tra 53 DTTS lần thứ 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định: Kết quả cuộc điều tra là căn cứ có tính pháp lý để đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2015 - 2020 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời, là cơ sở, nền tảng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025...

Thống nhất với nhận định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến - bà Sitara Syed – Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam lưu ý: Các dữ liệu có được sau cuộc điều tra là công cụ hết sức quan trọng và cần thiết để xây dựng các chính sách lớn cho vùng DTTS và miền núi. Các dữ liệu này cần được phổ biến rộng rãi; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBDT, các tổ chức nghiên cứu quốc gia và các tổ chức phát triển quốc tế để có thể tìm lời giải cho những con số chưa đạt như mong muốn.

Đến từ Ngân hàng Thế giới – ông Obert Pimhidzai - chuyên gia kinh tế - cho rằng: Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khi mà đồng bào vùng DTTS đang gặp những bất lợi về địa lý, địa hình, tỷ lệ hộ nghèo cao. Do đó, các chương trình đặc thù, dành riêng cho đồng bào là rất cần thiết. Việt Nam cần tiếp tục tập trung và đảm bảo nguồn lực cho những địa phương đặc biệt khó khăn, đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách ở các khu vực này. Ngân hàng Thế giới tiếp tục cam kết sẽ cùng UBDT phân tích các dữ liệu của cuộc điều tra sâu hơn. Từ đó, đánh giá lại kết quả thực hiện trong quá khứ, tính đến các chính sách trong tương lai; xem xét xem chính sách nào cần nhân rộng, chính sách nào cần loại bỏ.

Tính đến thời điểm ngày 1/4/2019, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người - chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Trên phạm vi cả nước, có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi, chiếm 49,0% tổng số xã của toàn quốc, thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã, thành phố tại 54 tỉnh, thành phố.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-vung-dtts-tim-loi-giai-cho-nhung-con-so-140769.html