Phát triển vùng mía nguyên liệu: Lấy năng suất bù diện tích

Cây mía là một trong những cây trồng chủ lực của Tuyên Quang, cùng với chè, cam, lạc, rừng trồng. Thời kỳ cao điểm, diện tích mía nguyên liệu của tỉnh đạt gần 11.000 ha, trở thành cây làm giàu của nông dân nhiều địa phương. Tuy nhiên, trong 2 - 3 năm trở lại đây, do khó khăn trong sản xuất mía, đường nên diện tích mía nguyên liệu không ngừng sụt giảm, hiện chỉ còn trên 4.500 ha.

Trước thực trạng đó, giải pháp của ngành Nông nghiệp và Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hiện nay là lấy năng suất bù diện tích, tránh nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu của tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích mía phế canh niên vụ 2019 - 2020 giảm trên 40% so với niên vụ 2018 - 2019. Nguyên nhân là do việc áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh còn chậm; 80% diện tích trồng mía nguyên liệu là đất đồi dốc gây khó khăn cho việc cơ giới hóa. Thêm vào đó, cơ cấu giống mía chưa phù hợp khả năng ép và kế hoạch ép của nhà máy, nhóm giống chín sớm, chín chính vụ chiếm tới 87,3%; nhóm giống chín muộn chỉ có 12,7% diện tích toàn vùng… vì thế khi vào mùa thu hoạch thì bị ứ đọng.

Người dân thôn Đồng Lường, xã Bình Xa (Hàm Yên) trồng lại mía nguyên liệu.

Người dân thôn Đồng Lường, xã Bình Xa (Hàm Yên) trồng lại mía nguyên liệu.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, để giải bài toán về năng suất, chất lượng, đơn vị đã thành lập lại Trại giống mía tại xã Phú Lương (Sơn Dương) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu mía đường để cải tạo chất lượng giống mía của vùng nguyên liệu mía. Niên vụ 2018 - 2019, bước đầu đánh giá về bộ giống đang thử nghiệm cũng như các giải pháp trong giai đoạn 2018 - 2020, quy hoạch các giống chiến lược cho giai đoạn 2020 - 2025. Theo ông Thành, hiện công ty đã lựa chọn và nhân nhanh các giống mía tốt có năng suất, chất lượng cao để phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, trong đó tập trung vào bộ giống mía chủ lực gồm ROC 22, ROC 10, QĐ 42, VĐ 93-159 và tiếp tục theo dõi, khảo nghiệm các giống mía mới KK 3, QT, LK 9211, LS1 để thay thế dần cơ cấu giống hiện có, thực hiện rải vụ phù hợp với từng vùng nguyên liệu, hạn chế được tình trạng mía chín tập trung. Niên vụ ép 2018 - 2019, diện tích trồng mía giống đạt tiêu chuẩn chiếm khoảng 87,3%; diện tích trồng giống cũ còn khoảng 12,7%. Tỷ lệ giống mía chín sớm - chín trung bình - chín muộn là 50,7% - 36,6% - 12,7%.

Công ty cũng đã ký hợp đồng với Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào phục tráng một số giống mía tốt như KK3, NK 9211, Roc 22, Roc 10... bằng phương pháp nuôi cấy mô. Năm 2019, đơn vị này đã cung ứng cho công ty trên 50.000 cây mía giống. Đồng thời, xây dựng các vườn mía giống gốc tại các xã Chiêu Yên (Yên Sơn), Bình Xa (Hàm Yên); Vinh Quang, Phúc Sơn, Minh Quang (Chiêm Hóa), Tuân Lộ (Sơn Dương)... để nhân giống phục vụ sản xuất.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng phối hợp với các huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương, Hàm Yên thực hiện 76 mô hình thâm canh tăng năng suất mía, với tổng diện tích 307 ha. Qua các mô hình này, nhiều người dân cũng xác định thâm canh, tăng năng suất là giải pháp để họ yên tâm “bám trụ” với cây mía. Thôn Đèo Ảng, xã Bình Xa (Hàm Yên) hiện còn hơn 30 ha mía. Năng suất mía bình quân của người trồng mía Đèo Ảng hiện đạt cao nhất nhì Bình Xa, trung bình 90 - 100 tấn/ha. Ông Lý Văn Phúc, Trưởng thôn Đèo Ảng cho biết, vụ mía trước một số hộ phế canh mía để trồng sắn, cùng một diện tích là 5 sào, nhưng tiền thu từ sắn chỉ đạt 10 triệu đồng, trong khi thu từ mía với giá 800 đồng/kg vẫn đạt trên 20 triệu đồng, vốn, công chăm sóc bỏ ra là tương đương nhau. Theo ông Phúc, hiện các hộ dân trong thôn tập trung vun gốc, bón phân, sử dụng các giống mía được công ty khuyến cáo sử dụng là Roc 22, Roc 10 để trồng mới, trồng lại.

Anh Đào Văn Đồng, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên (Sơn Dương) có 3,4 ha mía trồng trên đất đồi, 4 năm liên kết trồng mía với công ty năm nào gia đình cũng thu được 350 tấn mía cây. Để có năng suất cao, anh bón phân theo đúng định mức hỗ trợ của công ty, đồng thời chăm sóc, phòng trừ dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây mía. Theo anh Đồng, vụ mía vừa rồi, mỗi ha mía của gia đình anh đạt từ 90 - 100 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận ước đạt 40 - 50 triệu đồng/ha.

Mới đây nhất, ngày 2-3-2020, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương điều chỉnh tăng giá thu mua mía nguyên liệu, mía giống. Theo đó, trong 3 niên vụ liên tiếp, từ niên vụ mía 2020 - 2021 đến niên vụ mía 2022 - 2023, giá thu mua mía nguyên liệu không thấp hơn 850.000 đồng/tấn; mía giống lấy từ ngọn mía nguyên liệu không thấp hơn 980.000 đồng/tấn; mía giống lấy từ vườn mía hè 6 - 8 tháng tuổi không thấp hơn 1.250.000 đồng/tấn tại ruộng. Mức giá này sẽ được điều chỉnh tăng theo tình hình thực tế của thị trường mía đường trong nước.

Những giải pháp này được xem là lời giải để ổn định và phát triển vùng mía nguyên liệu, để các hộ trồng mía yên tâm, tin tưởng và tích cực ổn định, phát triển vùng mía nguyên liệu, phục vụ cho công nghiệp chế biến của tỉnh.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phat-trien-vung-mia-nguyen-lieu-lay-nang-suat-bu-dien-tich-129511.html