Phẫu thuật thay đổi cuộc đời cho cô gái 29 tuổi không có âm đạo

Bác sỹ Nguyễn Đình Minh cho hay các kết quả chiếu chụp tại bệnh viện cho thấy cô gái trẻ có âm đạo rất ngắn (khoảng 2cm). Do đó, các bác sỹ đã tiến hành tạo khoang âm đạo mới cho bệnh nhân.

Các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) vừa tiến hành ca phẫu thuật thành công tạo hình âm đạo cho nữ bệnh nhân N.T.T. 29 tuổi (Hà Nội)

Bệnh nhân cho hay, học đến cấp 3, chị không thấy có kinh nguyệt nên đã đi khám tại y tế địa phương nhưng không phát hiện ra bệnh.

Cách đây 3 năm, chị T. tiếp tục đi khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì phát hiện ra bị hội chứng Mayer-Rokintansky-Kuster-Hauser (không âm đạo bẩm sinh). Vì dị tật này nên chị T. đã chia tay người yêu trong sự tuyệt vọng.

Thạc sỹ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt cho hay kết quả chiếu chụp tại bệnh viện cho thấy bệnh nhân có âm đạo rất ngắn (khoảng 2cm). Trên xét nghiệm bệnh nhân có 2 buồng trứng bình thường, các hormon của nữ trong giới hạn bình thường, nhiễm sắc thể giới là NST XX, đặc trưng của nữ.

Các bác sỹ đã tiến hành tạo khoang âm đạo mới với sự hỗ trợ của nội soi ổ bụng và thăm dò buồng trứng, tử cung của ekip các bác sỹ sản khoa. Khoang âm đạo mới tạo ra được lót bằng niêm mạc môi bé và niêm mạc miệng. Đây là kỹ thuật tiên tiến, có độ an toàn và kết quả tạo hình rất tốt do niêm mạc ở 2 nơi này tương đồng với niêm mạc âm đạo.

Đặc biệt, các các bác sỹ đã sáng tạo ra khuôn nong và cố định mảnh ghép bằng Silicon y học (đã đạt giải trong hội thao sáng tạo tuổi trẻ đầu năm 2019).

Ca mổ diễn ra trong 90 phút, sau mổ bệnh nhân ổn định, được nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch trong 7 ngày để không cần đi ngoài ảnh hưởng vết mổ.

Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sỹ Minh cho hay, ở Việt Nam, ứng dụng khuôn nong nhựa trong tạo hình âm đạo trước đó đã được ứng dụng. Kế thừa và phát triển những ý tưởng đó, các bác sỹ của khoa đã tự tạo dụng cụ này bằng vật liệu silicon y học, hoàn toàn đảm bảo về chất lượng và an toàn cho sức khỏe người bệnh.

Ưu điểm của việc sử dụng chất liệu silicon là tạo được hình dáng khuôn nong phù hợp với thể trạng cũng như nhu cầu của bệnh nhân và đường hầm âm đạo tạo ra cho bệnh nhân. Việc sử dụng khuôn nong tự tạo sẽ giảm chi phí rất nhiều cho người bệnh vì họ phải dùng dụng cụ này trong vòng 3-6 tháng.

Thạc sỹ Minh phân tích, dị tật không có âm đạo là bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ nguyên nhân chưa rõ ràng. Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Ở tuổi sơ sinh, dưới tác động của estrogen từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo có thể gây các khối u vùng âm hộ hoặc tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu. Ở tuổi dậy thì, bệnh nhân chỉ bị đau bụng theo chu kỳ tháng nhưng không thấy kinh.

Vì vậy, bác sỹ Minh khuyến cáo, phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được... cần phải thăm khám sớm để có hướng điều trị phù hợp./.

PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phau-thuat-thay-doi-cuoc-doi-cho-co-gai-29-tuoi-khong-co-am-dao/616781.vnp