Phép thử mới của quan hệ Mỹ - Trung Quốc

Cả Mỹ và Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ và đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng

Mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đối mặt phép thử mới khi hai bên bước vào cuộc đối thoại chiến lược cấp cao tại TP Anchorage, bang Alaska - Mỹ trong hai ngày 18 và 19-3 (giờ địa phương).

Dẫn đầu phái đoàn nước chủ nhà là Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan. Trong khi đó, đại diện phía Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Không có gì lạ khi chương trình nghị sự gồm những vấn đề nóng đang phủ bóng quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, nổi bật là thương mại, dịch Covid-19, tình hình Hồng Kông, vấn đề biển Đông…

Theo báo The Wall Street Journal, cuộc gặp tại Alaska là nơi Washington phàn nàn một loạt hành động của Bắc Kinh, như mở rộng hải quân ở biển Đông, gây sức ép kinh tế lên các đồng minh Mỹ, tiến hành "tấn công mạng", "vi phạm luật sở hữu trí tuệ"…

Ngoài ra, phía Mỹ còn tìm hiểu xem hai nước có thể hợp tác thế nào trong những vấn đề như sức khỏe toàn cầu, ứng phó biến đổi khí hậu… Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc thúc giục phía Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhiều thực thể, cá nhân Trung Quốc do chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra trước đó.

Từ trái qua phải, hàng trên: Ông Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì; hàng dưới: Ông Jake Sullivan và ông Vương Nghị Ảnh: REUTERS

Từ trái qua phải, hàng trên: Ông Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì; hàng dưới: Ông Jake Sullivan và ông Vương Nghị Ảnh: REUTERS

Giới chuyên gia nhận định không dễ để hai bên thu hẹp được khoảng cách tại cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng với tư cách tổng thống hồi tháng 1-2021, nhất là khi không bên nào cho thấy dấu hiệu nhượng bộ và đặt nhiều kỳ vọng vào sự kiện lần này.

Giới chức Mỹ nhận định cuộc gặp chỉ mới là dịp để hai bên đề cập những bất đồng căng thẳng và sẽ không có tuyên bố chung hoặc thông báo đáng chú ý nào được đưa ra sau đó. Một loạt động thái của Washington ngay trước thềm cuộc gặp cũng đe dọa tác động tiêu cực đến bầu không khí của cuộc gặp.

Ngoại trưởng Blinken hôm 17-3 thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 24 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông. Cùng ngày, theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đã gửi trát triệu tập nhiều hãng công nghệ Trung Quốc hoạt động tại Mỹ tới tòa để điều tra xem liệu họ có đe dọa đến an ninh quốc gia hay không. Ngoài ra, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) bỏ phiếu nhất trí tiếp tục nỗ lực thu hồi giấy phép hoạt động tại Mỹ của hai công ty viễn thông Trung Quốc là China Unicom và ComNet do mối lo về an ninh.

Ở chiều ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17-3 chỉ trích tuyên bố chung Mỹ - Nhật Bản được đưa ra một ngày trước đó, đồng thời kêu gọi Washington và Tokyo không can thiệp vào chuyện nội bộ của Bắc Kinh. Tuyên bố chung này gọi hành vi của Trung Quốc là "không phù hợp với trật tự quốc tế, tạo nên những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ".

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải giảm nhẹ sự kỳ vọng dành cho cuộc gặp ở Alaska khi cho rằng vòng đối thoại này sẽ không giải quyết mọi vấn đề giữa Bắc Kinh và Washington. Trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc tại TP Anchorage hôm 17-3, ông Thôi tuyên bố mạnh mẽ rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước sức ép hoặc thỏa hiệp đối với các lợi ích cốt lõi của mình. Theo quan chức này, cuộc gặp sẽ thành công nếu giúp khởi động tiến trình đối thoại thẳng thắn, mang tính xây dựng và dựa trên ý chí giữa hai bên.

Trang Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh có thể tìm cách thu xếp một cuộc hội đàm trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Biden vào tháng tới nếu cuộc gặp ở Alaska diễn ra suôn sẻ. Sự kiện này có thể diễn ra nhân dịp ngày Trái đất (22-4) nhằm chứng tỏ cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều tập trung đối phó vấn đề biến đổi khí hậu.

Thêm sức ép từ Washington?

Trung Quốc có thể đối mặt thêm sức ép từ Mỹ sau khi bà Katherine Tai được Thượng viện phê chuẩn trở thành Đại diện Thương mại của chính quyền Tổng thống Biden hôm 17-3. Theo Reuters, bà Tai sẽ phụ trách những công việc liên quan đến thực thi thỏa thuận thương mại, đối đầu các hành vi thương mại của Trung Quốc và cải thiện quan hệ với những đồng minh của Mỹ. Bà Tai từng chỉ trích một số chính sách nhất định của Trung Quốc, đồng thời cho rằng Washington nên hợp tác với các nước khác để đối phó Bắc Kinh. Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện hồi tháng 2, bà Tai nói muốn Trung Quốc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng không nói rõ có sử dụng thêm đòn thuế quan nhằm vào nước này hay không.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/phep-thu-moi-cua-quan-he-my-trung-20210318215359621.htm