Phi công Pakistan làm việc tại Việt Nam đều có bằng lái hợp pháp
Tất cả các phi công Pakistan làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam đều có bằng lái hợp pháp và tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, Nhà chức trách Pakistan đã có phản hồi liên quan đến việc xác nhận tính xác thực đối với 11 Pakistan làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam.
Theo đó, cơ quan này khẳng định 11 giấy phép phi công Pakistan nói trên được Cục Hàng không Pakistan (PCAA) cấp theo quy trình cấp phép đầy đủ tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và không phải là giấy phép “giả” hoặc không đạt chuẩn thuộc các đối tượng như thông tin đại chúng phản ánh.
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy tổng số có 27 phi công là người Pakistan được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép và năng định cho các hãng hàng không của Việt Nam gồm 6 phi công làm việc cho Vietnam Airlines, 17 người làm việc cho Vietjet Air, 4 phi công làm việc cho Jetstar Pacific. Trong 27 trường hợp này, có 11 trường hợp đang bay khai thác cho các hãng hàng không Việt Nam và 16 trường hợp còn lại đã hết hạn hợp đồng hoặc do dịch bệnh đã về nước.
Trong 11 trường hợp phi công đang khai thác hiện nay có 10 người đang khai thác cho hãng Hàng không Vietjet Air, 1 người của hãng hàng không Jetstar Pacific. Hiện tại, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và hãng hàng không Tre Việt không có phi công mang quốc tịch Pakistan.
Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép lái máy bay cho 11 phi công nêu trên tuân thủ các quy định của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế qui định tại Annex 1 (tất cả các giấy phép của phi công nước ngoài bay khai thác tại Việt Nam đều được Cục Hàng không Việt Nam cấp trên cơ sở chuyển đổi từ giấy phép nước ngoài do quốc gia thành viên khác của ICAO cấp trên cơ sở căn cứ vào kết quả sát hạch lý thuyết tại Cục Hàng không Việt Nam và thực hành trên buồng lái mô phỏng được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn).
Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ rõ các quy trình cấp phép và năng định cho phi công nước ngoài tuân thủ theo Bộ quy chế An toàn hàng không Việt Nam.
Đề cập đến công tác kiểm soát chất lượng phi công nước ngoài, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, phi công được bay là đã đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn, quy trình chung thống nhất của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế mới cho phép bay khai thác và tất cả các thành viên ICAO đều phải thực hiện theo tiêu chuẩn này.
Vị Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, thực tiễn trên thế giới việc sử dụng phi công nước ngoài là rất bình thường. Điều quan trọng là phải quản lý chặt chẽ đội ngũ phi công này để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tuyệt đối trong hàng không.
“Trong quá trình khai thác bay tại các hãng hàng không Việt Nam không có trường hợp phi công Pakistan nào liên quan đến vấn đề sự cố hay uy hiếp an toàn bay. Nếu phía Pakistan khẳng định tất cả những phi công này được cấp bằng một cách hợp pháp, hợp tiêu chuẩn quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam sẽ cho phép họ bay lại. Trường hợp phi công không đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ, Cục Hàng không sẽ thu hồi ngay,” ông Thắng khẳng định.
Trước đó, ngày 24/6, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan tiết lộ thông tin có tới 262 phi công trong tổng số 860 phi công ở Pakistan sử dụng “giấy phép lái máy bay đáng ngờ.”
Vụ việc được phanh phui sau vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không Pakistan International Airlines khiến 97 người thiệt mạng và gây hư hỏng nhiều nhà dân./.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số phi công nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 1.223 người, trong đó hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có 309 người (chiếm 25,7% trên tổng số 1203 phi công); hãng hàng không Jetstar Pacific có 145 người (chiếm 70,3% tổng số 206 phi công); hãng hàng không Vietjet có 622 người (chiếm 75,6% trên tổng số 823 phi công) và hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) có 147 người (chiếm 58,6% trên tổng số 251 phi công).