Phía sau cơn bão Milton

Chỉ trong vòng hai tuần, khu vực Đông - Nam nước Mỹ đã hứng chịu hai cơn bão, điều rất hiếm khi xảy ra sau tháng 9. Cơn bão Milton, nối tiếp bão Helene, nhanh chóng mạnh lên thành bão cấp 5 trước khi suy yếu và đổ bộ vào Florida với sức gió lên tới 193km/giờ; dù không dữ dội như dự kiến, nhưng diễn biến bất ngờ của loại hình thời tiết này đã dấy lên lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu trong sự hình thành siêu bão và những hậu quả kinh tế nặng nề mà nó để lại.

Kỷ nguyên mới của những siêu bão?

Sự phát triển của Milton đã vượt xa các dự báo ban đầu; hình thành ở vịnh Campeche nằm phía Tây Nam vịnh Mexico, nơi khả năng phát triển thành bão lớn rất thấp, nhưng Milton thực tế đã mạnh lên từ cơn bão cấp 1 thành cấp 5 - cấp cao nhất trong thang bão 5 mức của Mỹ - trong vòng chưa đầy 10 giờ. Các nhà khí tượng học cho rằng, phần lớn sự gia tăng nhanh chóng này là do nước biển vùng Vịnh ấm bất thường, dao động quanh mức 30,5°C, cao hơn gần 1°C so với mức trung bình.

Nhà khoa học về khí hậu và chuyên gia về bão tại Đại học Princeton, ông Gabriel Vecchi cho biết, các vùng nước biển ấm đứng đằng sau sức mạnh bùng nổ của Milton, cung cấp cho cơn bão nguồn năng lượng dồi dào, dẫn đến sự gia tăng cấp độ chóng mặt của nó. Các vùng nước ấm thậm chí được ví như bữa tiệc buffet ăn thả ga đối với Milton. Ngoài ra, những thay đổi trong mô hình lưu thông khí quyển, có thể do sự nóng lên toàn cầu, cũng có thể làm thay đổi đường đi, điều hướng bão vào những khu vực chưa từng trải qua siêu bão như vậy trong nhiều thập kỷ.

 Bão Milton đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, phá hủy nhiều căn nhà. Nguồn: AFP

Bão Milton đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, phá hủy nhiều căn nhà. Nguồn: AFP

Mặc dù Milton là cơn bão hiếm, dữ dội và “diễn biến kỳ lạ” theo nhiều cách, nhưng đây là một phần trong xu hướng đáng lo ngại khi các cơn bão ngày càng gia tăng về tần suất và sức mạnh. Trong 8 năm qua, Mỹ đã chứng kiến 7 cơn bão cấp 4 hoặc mạnh hơn, gấp ba lần tỷ lệ trung bình kể từ năm 1950. Milton là cơn bão mạnh mới nhất tấn công đất nước cờ hoa trong năm nay, sau cơn bão Helene cũng tràn qua Florida cách đây chưa đầy hai tuần. Dự báo cho mùa bão 2024 tiết lộ, có thể có từ 17 đến 25 cơn bão được đặt tên, cho thấy khu vực Đại Tây Dương đang có một mùa bão rất dữ dội. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BioScience chỉ ra rằng, việc hình thành ngày càng nhiều siêu bão là hậu quả trực tiếp từ tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOOA) cho rằng, hiệu ứng thời tiết El Nino, La Nina và sự ấm lên của đại dương, cùng với độ ẩm không khí gia tăng là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện nhiều hơn của những cơn bão có lượng mưa lớn và gây lụt lội nặng nề hơn. Các chuyên gia như nhà khoa học khí quyển Kristen Corbosiero của Đại học New York cũng đưa ra lưu ý tương tự, sự kết hợp của biến đổi khí hậu và các kiểu thời tiết thay đổi đang khiến nhiệt độ đại dương ấm hơn mức trung bình và các cơn bão như Milton có thể trở thành chuẩn mực mới.

Tác động kép về GDP và thiệt hại tài sản

Mặc dù khi đổ bộ vào đất liền, sức mạnh của bão Milton đã suy yếu bớt, không dữ dội như dự đoán ban đầu, song sức công phá và gây thiệt hại về kinh tế của nó không hề nhỏ. Các nhà kinh tế ước tính, bão Milton có thể làm giảm mức tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ trong quý IV từ 0,2 đến 0,4 điểm phần trăm. Florida, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão, có thể chứng kiến mức tăng trưởng tổng sản phẩm của bang (GSP) giảm tới 3 đến 4 điểm phần trăm. Còn theo ước tính của các chuyên gia tại công ty dịch vụ tài chính Jefferies, bão Milton có thể gây ra thiệt hại nặng nề, lên tới 245 tỷ USD khi ảnh hưởng trực tiếp tới một trong những khu vực đông dân nhất ở bang Florida. Nếu dự đoán này thành hiện thực, nó sẽ vượt qua mức thiệt hại 192,5 tỷ USD do siêu bão Katrina gây ra tại thành phố New Orleans thuộc bang Louisiana hồi năm 2005. Điều đó cũng có nghĩa rằng bão Milton sẽ trở thành thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ. Báo cáo của hãng đánh giá tín nhiệm Fitch (Mỹ) ước tính, bão Milton có thể khiến các công ty bảo hiểm phải bồi thường 30 - 50 tỷ USD cho người dân có tài sản tại Florida, mức cao nhất kể từ bão Ian năm 2022.

Mặc dù nhiều tài sản bị phá hủy, nhưng những tổn thất này không ảnh hưởng trực tiếp đến GDP, vì GDP đo lường chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ, không phải giá trị tài sản bị mất. Thay vào đó, thiệt hại kinh tế mà bão Milton gây ra sẽ biểu hiện thông qua việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng, ngừng hoạt động kinh doanh và gián đoạn trong các lĩnh vực kinh tế chính.

Chẳng hạn như, ngành du lịch của Florida, trụ cột quan trọng của nền kinh tế bang, dự kiến sẽ chứng kiến sự suy thoái mạnh do các chuyến bay và hoạt động bị hủy và cơ sở hạ tầng bị hư hại. Cơn bão còn có khả năng làm chậm hoạt động xây dựng, với dự báo doanh số bán nhà và khởi công xây dựng nhà ở sẽ giảm trong tương lai gần. Mặc dù doanh số bán lẻ tăng tạm thời trong thời gian ngắn do nhu cầu mua khẩn cấp trước bão, nhưng đợt tăng đột biến này khó có thể bù đắp được mức giảm lớn hơn trong và sau cơn bão. Trong lĩnh vực năng lượng, các hoạt động khai thác dầu ở vịnh Mexico có thể phải đóng cửa hoặc chậm lại, tăng thêm căng thẳng cho ngành năng lượng. Tình trạng mất điện trên diện rộng trên toàn khu vực cũng có thể làm phức tạp các nỗ lực phục hồi, đồng thời làm tăng thêm thiệt hại chung.

Cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) vào tháng 11 sẽ là thử thách cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khi họ phải phân biệt giữa các tác động tạm thời của bão và các xu hướng kinh tế cơ bản. Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 11, nhưng sự suy yếu trong tăng trưởng lương hoặc tỷ lệ thất nghiệp có thể dẫn đến việc cắt giảm lớn hơn.

Mặc dù những nỗ lực tái thiết sau cơn bão Milton sẽ thúc đẩy chi tiêu - được hỗ trợ một phần bởi nguồn tài trợ của Chính phủ - nhưng mức tăng này sẽ không bù đắp hoàn toàn cho sản lượng kinh tế bị mất trong và sau cơn bão. Các nhà kinh tế cảnh báo cần tránh thuyết “ngụy biện cửa sổ vỡ” (Broken Window Fallacy), họ cho rằng sự thúc đẩy kinh tế từ quá trình tái thiết chỉ thay thế của cải đã bị phá hủy, thay vì tạo ra của cải mới. Thuyết này được nhà kinh tế học, triết gia người Pháp Frédéric Bastiat đưa ra vào năm 1850. Ngụy biện trên bắt nguồn từ một ví dụ đơn giản: khi một cơn bão làm vỡ cửa sổ của một cửa hàng, người ta có thể cho rằng điều này mang lại lợi ích cho nền kinh tế vì chủ cửa hàng sẽ phải chi tiền để sửa chữa. Chi phí đó sẽ tạo ra việc làm cho thợ sửa cửa sổ và kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, Bastiat lập luận rằng trong trường hợp này, mọi người chỉ nhìn thấy lợi ích tức thời (như việc làm cho thợ sửa chữa) mà không xem xét những chi phí ẩn (như số tiền mà chủ cửa hàng sẽ không thể sử dụng cho việc khác, như đầu tư vào hàng hóa mới hoặc cải thiện dịch vụ). Theo ông, thiệt hại do phá hoại, như một cửa sổ bị vỡ, không tạo ra lợi ích kinh tế thực sự, mà chỉ làm giảm nguồn lực và cơ hội trong nền kinh tế.

Thực tế, quá trình tái thiết hậu bão Milton sẽ kéo dài và phức tạp. Việc đánh giá thiệt hại, tìm kiếm nguồn tài trợ từ liên bang, giải ngân bảo hiểm và những thách thức về hậu cần của quá trình phục hồi quy mô lớn sẽ kéo dài thời gian phục hồi. Bão Milton là minh chứng rõ nét về sức mạnh tàn phá của thiên nhiên. Khi Florida và các khu vực khác ở Mỹ bắt đầu quá trình tái thiết, những thiệt hại kinh tế lâu dài và bài học rút ra từ cơn bão sẽ tiếp tục định hình các chính sách trong tương lai, đặc biệt là về thích ứng với khí hậu và phòng ngừa thảm họa.

Ngọc Minh (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phia-sau-con-bao-milton-post393020.html