Phía sau đề xuất thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga

Những ngày gần đây, việc Nga có thể sửa đổi học thuyết hạt nhân là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Giới chuyên gia an ninh quốc tế đã có rất nhiều bình luận về vấn đề này.

Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Ảnh: Reuters

Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Ảnh: Reuters

Đề xuất thay đổi nội dung trong học thuyết hạt nhân

Theo truyền thông quốc tế, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga diễn ra trong tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ những thay đổi được đề xuất đối với học thuyết hạt nhân của nước này. Ông Putin cho biết, Nga sẽ sửa đổi học thuyết để có khả năng hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Đồng thời cho hay, Nga sẽ coi một cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân có sự tham gia hoặc được một quốc gia hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung chống lại Nga.

Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh nội dung nổi bật nhất trong việc thay đổi học thuyết rằng, Nga có thể cân nhắc trả đũa hạt nhân khi nhận được thông tin đáng tin cậy về một vụ phóng hàng loạt vũ khí tấn công trên không và vũ trụ hướng về lãnh thổ Nga hoặc đồng minh thân cận Belarus. Ông Putin cũng nêu rằng, những vũ khí này có thể là máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV), máy bay siêu vượt âm và các loại máy bay khác.

Sau cuộc họp nêu trên, truyền thông Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc Tổng thống Putin đưa ra những đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân là điều cần thiết nhằm đáp ứng tình hình an ninh hiện nay.

Nói rõ hơn, ông Peskov cho biết, những đề xuất sửa đổi này liên quan đến tình hình an ninh dọc biên giới Nga, vì vậy, cần điều chỉnh những nền tảng chính sách của Nhà nước liên quan đến vấn đề răn đe hạt nhân.

Theo giải thích của ông Peskov, bất chấp những cảnh báo liên tục của Nga trong thời gian qua, tình hình an ninh quốc tế vẫn leo thang căng thẳng với những chính sách có thể gây ra hậu quả rất tiêu cực.

Đặc biệt, Nga nhiều lần tuyên bố rằng, nước này không muốn chiến tranh hạt nhân, nhưng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp chủ quyền quốc gia bị đe dọa.

Theo bình luận của truyền thông quốc tế, những động thái từ Điện Kremlin cho thấy, Nga đang đưa ra lời cảnh báo cho những quốc gia đối lập. Việc sửa đổi học thuyết hạt nhân được đề xuất trong bối cảnh tình hình an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, có thể hướng tới mục đích khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây phải cân nhắc thật kỹ trước các hành động có thể bị xem là chống lại Nga.

Tăng sức răn đe để loại bỏ vũ khí hạt nhân

Trong nhiều ngày qua, thông tin về khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga đã tạo ra những cuộc thảo luận vô cùng sôi nổi trong dư luận quốc tế. Đặc biệt, giới chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí đã có nhiều phân tích về ngôn từ được Tổng thống Putin sử dụng liên quan đến ngưỡng để nước này trả đũa hạt nhân.

Ông Pavel Podvig - chuyên gia về lực lượng hạt nhân của Nga chia sẻ, những tuyên bố từ chính quyền Nga vẫn chỉ ở mức mơ hồ, đặc biệt trong việc định nghĩa thế nào là hành vi xâm lược nước Nga. Theo ông Podvig, trong phiên bản hiện tại, học thuyết này không có sự phân biệt giữa hành động xâm lược của quốc gia có vũ khí hạt nhân và quốc gia không có vũ khí hạt nhân mà chỉ nêu rằng, một hành động xâm lược đe dọa đến sự tồn tại của đất nước.

Theo lưu ý của ông Podvig, Nga từng nhiều lần khẳng định sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân, ngoại trừ một trường hợp là, khi quốc gia đó hành động liên kết hoặc liên minh với một quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Còn theo bà Mariana Budjeryn - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Belfer của Trường Harvard Kennedy, học thuyết quân sự Nga năm 2020 cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả hành động xâm lược thông thường, gây nguy hiểm cho sự tồn tại của nước Nga. Giờ đây, điều này đã được nới lỏng xuống mức đe dọa cực độ đến chủ quyền của Nhà nước.

Tuy nhiên, trước đây chưa có những định nghĩa cụ thể về các khái niệm, còn trong dự thảo sửa đổi được đề xuất, hành động xâm lược thông thường đã được chỉ định cụ thể hơn, bao gồm cả một cuộc tấn công trên không có quy mô lớn. Tuy nhiên lại chưa rõ định nghĩa thế nào là quy mô lớn, hoặc quy mô đủ lớn. Vì vậy, tổng thể những khái niệm vẫn ở mức độ mơ hồ.

Một trong những bình luận nổi bật nhất từ giới chuyên gia quốc tế là của ông Dmitry Suslov - thành viên Hội đồng chính sách đi ngoại và quốc phòng Nga, Phó Giám đốc kinh tế thế giới và chính trị quốc tế tại Trường Kinh tế cao cấp Moskva và chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai.

Theo ông Suslov, việc Nga cập nhật học thuyết hạt nhân đã diễn ra từ lâu và có liên quan đến thực tế rằng, mức độ răn đe hạt nhân hiện tại đã được chứng minh là không đủ. Đặc biệt là khi mức độ răn đe này không ngăn được những nguy cơ tiềm tàng về việc các thế lực đối lập tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga.

Ông Suslov cho rằng, ở góc độ khách quan, việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí nguyên tử và mở rộng số lượng các tình huống mà Nga cho phép thực hiện hành động đáp trả lẽ ra phải được đưa ra từ lâu. Cách diễn đạt ở phiên bản trước của học thuyết, trong đó nêu rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột phi hạt nhân chỉ có thể xảy ra trong trường hợp đe dọa đến sự tồn tại của Nga với tư cách là một quốc gia, nay không còn phù hợp với thực tế toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện tại, ngưỡng đáp trả hạt nhân được hạ thấp và việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột phi hạt nhân là có thể xảy ra trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia. Như vậy, “ranh giới đỏ” hiện nay không phải là sự tồn vong của Nhà nước Nga, mà là các mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của quốc gia.

Theo nhìn nhận của ông Suslov, động thái của Nga sẽ tăng cường về mặt chất lượng quan hệ với các quốc gia thân thiện về chính sách hạt nhân và thuyết phục các đối tác rằng, việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm mục đích loại bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc ít nhất là giảm nguy cơ xảy ra việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông Suslov, phần lớn thế giới sẽ hiểu về động thái mới nhất của Nga là như vậy.

Lý giải về việc Nga có thể thay đổi học thuyết hạt nhân, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, phiên bản cập nhật của học thuyết này đã được hoàn thiện và đang trải qua các thủ tục cần thiết cuối cùng để trở thành luật.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phia-sau-de-xuat-thay-doi-hoc-thuyet-hat-nhan-cua-nga-post481805.html