Phía sau những con chữ

Quan sát các đồng nghiệp nữ tác nghiệp mới thấy hết sự mạnh mẽ, niềm đam mê và lòng nhiệt huyết của người làm báo. Nhiều chị nói, nghề báo giống như một cơ duyên, ông trời 'xe duyên' rồi nên lại đi, lại viết, lại sống với những đam mê...

Cần lắm niềm đam mê!

Gần 20 năm công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, phóng viên (PV) Như Huỳnh bộc bạch, nếu được chọn lại, chị vẫn chọn nghề báo để thỏa lòng đam mê. Chị Như Huỳnh kể, còn nhớ những ngày đầu khi mới về làm việc tại Đức Huệ, huyện biên giới này còn nhiều khó khăn. Có khi đi công tác, đến nơi, người chị nhếch nhác vì đường sá nắng bụi, mưa lầy. Rồi có lần xuống cơ sở mùa nước nổi, chị vừa ngồi trên xuồng, vừa phỏng vấn về sinh hoạt, đời sống người dân mùa lũ và được ăn cơm trưa với họ trong căn nhà bì bõm nước,... Bây giờ, Đức Huệ "thay áo mới", đời sống người dân được nâng lên nhưng những ngày gian khó đó sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm báo của chị.

Theo phóng viên Như Huỳnh, làm nghề báo cần có sự đam mê

Chị Như Huỳnh chia sẻ: “Đi làm và được trải nghiệm, gắn bó rồi yêu nghề lúc nào không hay. Lúc tôi mới vào nghề, phương tiện kỹ thuật chưa hiện đại như bây giờ, tin tức viết xong phải in ra, bỏ vào bao thư, gửi kèm cuốn băng quay phim, tranh thủ chạy ra xe khách để gửi về báo, đài tỉnh. Sau này công nghệ phát triển, sử dụng fax nhanh rồi đến email, đường truyền,... nên tin tức đến với khán giả, độc giả nhanh hơn trước”.

Ngoài nhiệm vụ là PV ở đài huyện, chị Như Huỳnh còn là MC khá “đắt show” ở những hội nghị, chương trình tọa đàm lớn của huyện. Sau những chuyến rong ruổi công tác hoặc lên sóng khi dẫn chương trình, chị Như Huỳnh còn làm tròn vai trò người vợ, người mẹ. Chồng làm việc xa nhà nên hầu như mọi chuyện trong gia đình, chăm sóc 2 người con gái nhỏ do chị chu toàn. Giữa áp lực công việc và cuộc sống, chị vẫn phải làm tròn trách nhiệm cả 2 vai trò. Dù mưa cũng như nắng, sớm hay khuya, khi có việc, nữ PV vẫn phải đi, lấy tư liệu và viết. Đêm đến, khi các con ngủ cũng là lúc những nữ PV như chị lại lạch cạch với máy tính, “chạy bài”, “cày kịch bản” cho chương trình tiếp theo. Không chỉ đưa rước con đi học thường xuyên mà có thời điểm, chị thấy mình “căng như dây đàn” khi những ngày con bệnh mà lịch công tác thường xuyên, lịch phỏng vấn gần kề, giờ giao bài sắp tới,...

“Tuy cực vì phải đi suốt nhưng cái tôi nhận được là nhiều mối quan hệ thân tình, họ giúp mình có thêm vốn sống. Nghề báo là “làm dâu trăm họ”, có người thích, người không thích là chuyện bình thường. Cũng có lần đi quay chương trình thì bị nhân vật nói những lời khiếm nhã. Mỗi lần như thế, tôi lại suy nghĩ xem mình đã sai ở đâu, nếu lỗi không thuộc về mình thì cũng nhẹ nhàng cho qua. Thế đó, nghề báo cho mình nhiều bài học, vui có, buồn có!" - chị Như Huỳnh tâm sự.

Giữ lửa nghề

Là nghề có tính đặc thù, nghề báo đòi hỏi những người làm nghề phải có những tố chất, yêu cầu nhất định, môi trường làm việc cũng có nhiều áp lực. Riêng đối với các nữ nhà báo, họ còn phải nỗ lực nhiều hơn để vừa được sống với đam mê nghề nghiệp, vừa thực hiện vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình.

Vào nghề tròn 10 năm, nhà báo Thanh Thủy - Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, cho rằng nghề báo vốn dĩ là một nghề vất vả nhưng đối với các nữ nhà báo, áp lực của nghề có phần khác biệt hơn so với nhà báo nam. Ngoài làm nghề, nữ nhà báo, trong đó có bản thân chị còn phải cố gắng thực hiện tốt nhất có thể nghĩa vụ làm dâu con, làm vợ và làm mẹ.

Nhà báo Thanh Thủy tác nghiệp

“Thời gian làm việc của nghề báo không tính bằng giờ hành chính mà nương theo dòng sự kiện. Do vậy, để giữ lửa nghề và vun vén cho hạnh phúc gia đình, ngoài sự cố gắng của bản thân, tôi may mắn được sự cảm thông, chia sẻ cả ở cơ quan lẫn gia đình. Trong công việc, lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện phân công nhiệm vụ phù hợp nhất có thể, đồng nghiệp cũng có sự hỗ trợ khi cần, nhất là lúc con tôi bị bệnh. Còn ở gia đình, cha mẹ, ông xã là hậu phương sẵn sàng hỗ trợ để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Có như vậy, công việc xã hội và bổn phận với gia đình được giải quyết hài hòa, để tôi có thể sống trọn với đam mê nghề nghiệp và hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình” - nhà báo Thanh Thủy cho biết.

Ở những gia đình của nữ nhà báo, người chồng cũng phần nào hy sinh niềm vui cá nhân để choàng gánh vai trò của người vợ. Do mẹ thường vắng nhà, đi công tác xa, những đứa trẻ cũng phải làm quen với đặc thù công việc của mẹ làm nữ nhà báo để tự lập hơn trong một số việc.

Trên bước đường đã chọn, trong những lần tập huấn nghiệp vụ, những người thầy, đồng nghiệp có những đúc kết sâu sắc về nghề: Người theo nghề báo phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn vốn có. Nhọc nhằn nhưng vinh quang. Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và khó thành công. Nhận lãnh trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và xã hội trao gửi, người làm báo cũng là người chiến sĩ, phải vững bước trên con đường đã chọn./.

Như Nguyệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phia-sau-nhung-con-chu-a157463.html