Phía sau sự 'im lặng' của Triều Tiên là kế hoạch bất ngờ dành cho ông Biden?
Để thử thách lập trường của ông Biden, Triều Tiên có thể công khai kêu gọi chính quyền mới của Mỹ duy trì cam kết theo tuyên bố chung đạt được giữa hai nước tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2018.
Những lựa chọn cho ông Biden
Có thể phải mất thời gian chờ đợi xem điều gì sắp xảy ra, nhưng có một số ý kiến cho rằng ông Kim Jong Un nhiều khả năng đang cố gắng làm rung chuyển mọi thứ trên Bán đảo Triều Tiên.
Hiện tại, có nhiều yếu tố làm lu mờ triển vọng quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong cuộc tranh luận Tổng thống vào tháng 10 vừa qua, ông Biden đã sử dụng ngôn từ cứng rắn nói về nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đồng thời chỉ trích Tổng thống Trump quá mềm mỏng với Bình Nhưỡng. Nhận xét này của Joe Biden đã nhận được sự chú ý nhiều hơn sau khi ông thắng cử.
Sự chú trọng của ông Biden vào các vấn đề nhân quyền, mạng lưới các đồng minh và các thỏa thuận quốc tế dường như không tương thích với những ưu tiên được đưa ra trong cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong Un.
Chính sách với Triều Tiên có thể không phải là ưu tiên chính của ông Biden khi ông đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong nước, trong đó có kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bước đi đang được lên kế hoạch. Theo các nguồn tin ngoại giao của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc quen thuộc với vấn đề hạt nhân, các trợ lý và chuyên gia về chính sách đối ngoại của ông Biden đang tìm cách nhanh chóng tái khởi động cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Phía sau những lời kêu gọi này là sự tiếc nuối chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Tổng thống Obama. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dưới thời ông Obama, việc Mỹ đánh giá thấp mối đe dọa từ Triều Tiên đã vô tình tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng nhanh chóng phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa.
Triều Tiên được cho là sở hữu từ 20 đến 60 đầu đạn hạt nhân. Để sử dụng được những đầu đạn hạt nhân này, Bình Nhưỡng đã phát triển các tên lửa đạn đạo có đường bay rất khó theo dõi và đánh chặn. Vào nửa đầu năm 2017, Triều Tiên nhiều lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.
Theo nhóm ủng hộ cách tiếp cận mới đối với Triều Tiên, mục tiêu hiện nay của Mỹ là ngăn không để tình hình trên Bán đảo Triều Tiên trở nên xấu hơn, đồng thời giảm mối đe dọa tấn công trực diện vào lãnh thổ nước này. Nhóm ủng hộ chính sách mềm mỏng với Triều Tiên cho rằng, Mỹ nên tạm dừng việc chú ý vào những vũ khí mà Bình Nhưỡng đã phát triển đến thời điểm hiện tại. Hướng tiếp cận với các cuộc đàm phán mới là phải chú trọng vào việc đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Đây cũng là phương diện hai bên đã từng đàm phán trong quá khứ.
Theo một cựu quan chức Hàn Quốc, chính quyền ông Biden có thể theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn. Quan chức này lưu ý, đây là hướng đàm phán phù hợp với mong muốn của Triều Tiên.
“Triều Tiên và Mỹ sẽ rút từng thẻ bài một và tiếp tục đàm phán dựa trên cơ sở bình đẳng trong vấn đề phi hạt nhân hóa, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và thiết lập hòa bình”, quan chức này nói thêm.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei vào tháng 11, ông Chon Yong-u, cựu cố vấn hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc về an ninh quốc gia, nhấn mạnh "phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn" là một lựa chọn quan trọng. Theo ông Chon, các chuyên gia về Triều Tiên của ông Biden đều tin rằng họ sẽ khó đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách “toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
“Tuy nhiên, họ có thể tìm cách ngăn cản Triều Tiên cải thiện năng lực phát triển hạt nhân, tiếp đến là thuyết phục cắt giảm vũ khí hạt nhân, đặc biệt là những vũ khí đe dọa lục địa Mỹ”, ông Chon lưu ý.
Ông Chon cho rằng, không giống như Tổng thống Trump - một chính trị gia luôn quan tâm đến các thỏa thuận lớn, ông Biden- người dày dặn kinh nghiệm trọng lĩnh vực ngoại giao, có xu hướng chấp nhận các thỏa thuận nhỏ hơn. Quan điểm này trái ngược với niềm tin phổ biến cho rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ rơi vào bế tắc dưới thời chính quyền Biden.
Sự im lặng “khó hiểu” của Triều Tiên
Một câu hỏi đặt ra là cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào trước triển vọng hai bên đạt được thỏa thuận. Trung Quốc và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in – người đang tìm kiếm sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên, nhiều khả năng sẽ hoan nghênh. Trái lại, cách thức tiếp cận theo từng giai đoạn có thể khiến chính phủ Nhật Bản và phe bảo thủ tại Hàn Quốc lo ngại, bởi một thỏa thuận sơ bộ nhiều khả năng sẽ cho phép Triều Tiên giữ lại các tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Một câu hỏi khác là điều gì sẽ thúc đẩy Mỹ và Triều Tiên nối lại các cuộc đàm phán khi mà Tổng thống đắc cử Joe Biden và nhà lãnh đạo Kim Jong Un chưa xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau. Chưa kể, Triều Tiên đã đặt ra điều kiện rất khó khăn để tái khởi động đàm phán song phương, trong đó có yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và chấm dứt cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Sau cuộc đàm phán hạt nhân gần nhất vào tháng 10/2019, Triều Tiên đã khẳng định quyền theo đuổi chương trình hạt nhân, đi xa hơn là tuyên bố sẽ không quay trở lại bàn đàm phán nếu Mỹ không chấm dứt chính sách thù địch với nước này.
Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, thời gian gần đây Triều Tiên đã chỉ thị cho các cơ quan ngoại giao của nước này trên khắp thế giới không gây bất đồng với Mỹ, đồng thời cảnh báo các đại sứ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh bất cứ rắc rối nào.
Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ khi ông Biden được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong Un lẫn truyền thông Triều Tiên đều không hề nhắc đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng, Triều Tiên có thể muốn tránh những rắc rối khi ông Trump còn tại vị, một số khác nhận định, Bình Nhưỡng đang cố gắng tập hợp những "lá bài" mặc cả trước khi đàm phán với Mỹ dưới thời chính quyền mới.
Khi nào Bình Nhưỡng đưa ra “động thái bất ngờ”?
Hiện giới phân tích đang cố gắng tìm hiểu xem khi nào nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ phá vỡ sự im lặng. Để thử thách lập trường của ông Biden, Triều Tiên có thể công khai kêu gọi chính quyền mới của Mỹ duy trì cam kết theo tuyên bố chung đạt được giữa hai nước tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2018, trong đó có việc thiết lập quan hệ song phương và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Nếu ông Biden không thể hiện thiện chí, Triều Tiên có thể thực hiện các hành động cứng rắn hơn, chẳng hạn như thử tên lửa đạn đạo khi thời cơ thích hợp. Biện pháp này không chỉ giúp Triều Tiên cải thiện công nghệ tên lửa mà còn thúc đẩy đội ngũ cố vấn của ông Biden tập trung vào việc nối lại các cuộc đàm giữa hai bên. Tại cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên vào cuối năm 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo rằng thế giới sẽ được thấy “một vũ khí chiến lược mới” của Triều Tiên trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, Triều Tiên có thể phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn vừa được ra mắt trong lễ duyệt binh ngày 10/10 hoặc một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đang trong quá trình phát triển. Một khả năng khác là gia tăng các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới giữa hai miền Triều Tiên.
Nếu Triều Tiên muốn tập trung giải quyết bài toán trước mắt như dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 và khắc phục hậu quả lũ lụt, thì động thái “bất ngờ” của nước này nhiều khả năng phải đến tháng 3/2021 mới diễn ra, vào thời điểm Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận thường niên. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể sẽ gửi thông điệp tới Mỹ trong bài phát biểu tại đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào đầu năm 2021./.