Phía sau tấm vé World Cup: Nhiều cầu thủ nữ làm 'nghề tay trái' để nuôi giấc mơ

Nhìn những nụ cười rạng rỡ của các cô gái trên sân sau khi giành vé dự World Cup, ít ai biết họ đã vượt qua những khó khăn thường nhật thế nào để sống với đam mê.

Có một sự thật đáng buồn là bóng đá nữ thường ít được chú ý như bóng đá nam. Người ta ít để ý đến những giọt mồ hôi nghiêm túc và nỗ lực của các nữ chiến binh, chỉ cho đến khi có thành tích bất ngờ thì mới nhận ra họ luôn ở đó, nỗ lực chiến đấu, nỗ lực mang thành tích về cho màu cờ sắc áo.

Sáu lần HCV SEA Games, ba lần vô địch Đông Nam Á và giờ đây là giành được tấm vé có mặt tại World Cup 2023, đó là các nữ tuyển thủ Việt Nam - những người gặp rất nhiều khó khăn, phải làm thêm nhiều nghề để nuôi giấc mơ sân cỏ.

Tuyết Dung

Tuyết Dung - cầu thủ 2 lần giành Quả bóng Vàng đã từng thử sức với rất nhiều "nghề tay trái".

Nghề đầu tiên của “cô gái vàng” là bán mỹ phẩm trực tuyến. Cơ duyên đến từ cô bạn đồng nghiệp Đỗ Thị Yến (đá cho CLB Hà Nội) có bạn bên Nhật gửi hàng về để bán nên rủ Dung làm thêm.

Thế là cô gái có mái tóc ngắn như con trai tập tành vào nghề, chủ yếu bán cho đồng nghiệp thể thao là chính. Sau này Đỗ Thị Yến nghỉ đá bóng và làm nghề khác thì Tuyết Dung cũng thôi dần.

Năm 2019, nhiều fan của Tuyết Dung bất ngờ khi thấy cô thử sức ở nghề… tư vấn xuất khẩu lao động. Công việc cô giới thiệu từ Nhật Bản rất đa dạng như sơn chống thấm tường nhà ở tỉnh Osaka, điều khiển máy xây dựng (tỉnh Kanagawa), làm bánh mì và dập kim loại (tỉnh Gifu), chế biến thực phẩm (Aomori), cơm hộp (Kumamoto), vận hành máy giặt là (Tokyo, Kanagawa)…

Cùng với đó, Tuyết Dung sau khoảng thời gian thi đấu cũng phải "chạy bàn không lương" phụ giúp cho gia đình. Khi có được những đồng tiền thưởng ít ỏi, Dung mở một nhà hàng nhỏ với tên "Tuyết Dung 7" để bố mẹ đỡ phải lam lũ với đồng ruộng. Bên cạnh đó, Tuyết Dung còn mở một trung tâm bóng đá cộng đồng mang tên mình dành cho các em học sinh từ 6 - 12 tuổi tại quê nhà.

Huỳnh Như

Giống như Tuyết Dung, đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam cũng có một quán riêng với thương hiệu "Nàng 9 dừa sáp Trà Vinh".

Đây cũng là cửa hàng mà Huỳnh Như rất tâm đắc, tiền đạo của ĐT nữ nhiều lần đăng tải những hình ảnh của quán và bán hàng trên trang cá nhân của mình.

Phạm Hải Yến

Phạm Hải Yến (Hà Nội) quê tại huyện Thường Tín cũng là một trong số các cầu thủ kiếm thêm thu nhập từ bán hàng online. Cô đi đá bóng từ 14 tuổi vì đam mê nhưng để nuôi dưỡng đam mê thì cần có tiền. Thế nên ngoài việc đá bóng, lâu nay Yến nổi tiếng trong đội tuyển VN là giỏi bán hàng online. Yến rao bán nhiều mặt hàng trên Facebook cá nhân như: mỹ phẩm, quần áo, giày dép... để có thêm thu nhập.

Thái Thị Thảo

Ở đội tuyển nữ Việt Nam còn có một tiền vệ rất có duyên với công việc bán hàng online là Thái Thị Thảo. "Thảo Boss" đó là cái tên quen thuộc được khách hàng biết đến. Trên trang facebook cá nhân, Thảo thường xuyên đăng bán các sản phẩm về giày thể thao, đồng hồ... để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Thế mới thấy đằng sau tấm vé dự World Cup của tuyển nữ Việt Nam không chỉ là những giọt mồ hôi luyện tập trên sân cỏ, mà còn là những lo toan trong việc cân bằng giữa đam mê và cơm áo gạo tiền.

Cersei(Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/phia-sau-tam-ve-world-cup-nhieu-cau-thu-nu-lam-nghe-tay-trai-de-nuoi-giac-mo-ar660178.html