Phiên họp thứ 10 Ban chỉ đạo CCTP Trung ương: Đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTPTƯ) đã họp phiên thứ 10 cho ý kiến vào dự thảo báo cáo của BCĐ CCTPTƯ về góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban CĐCCTPTƯ chủ trì phiên họp.

Dự thảo Báo cáo của BCĐ CCTPTƯ góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Dự thảo) cơ bản đồng ý với nhiều nội dung của Dự thảo do Quốc hội công bố lấy ý kiến nhân dân. Nội dung Dự thảo đã kế thừa những quy định của Hiến pháp 1992 và những bản Hiến pháp trước đó. Đồng thời đã thể chế hóa được những nội dung quan điểm của Đảng quy định tại các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết T.Ư 2 và T.Ư 5 khóa XI về sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trong đó, Dự thảo đã xác định rõ chế độ chính trị, bản chất nhà nước và những nội dung yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do nhân dân và vì nhân dân. Bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về tay nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đồng thời bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ Tổ quốc.

Góp ý nội dung về chế độ chính trị, các thành viên BCĐ đồng ý với nhiều nội dung của dự thảo, vì cơ bản đã xác định rõ bản chất và thể chế chính trị của Nhà nước theo các định hướng lớn đã được quy định tại các văn kiện Đại hội Đảng. Đồng thời kế thừa được những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1992 còn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn;…

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Các thành viên BCĐ đồng ý với quy định Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4). Vì đây là vấn đề cốt lõi của chế độ chính trị trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ở Việt Nam vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Và vai trò lãnh đạo của Đảng được chứng minh qua các thời kỳ và được xã hội thừa nhận như một tất yếu lịch sử. Quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan và ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Hội nghị cũng đã thảo luận nội dung liên quan đến Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân (Chương VIII). Chương này cơ bản đã thể hiện được yêu cầu của CCTP, khẳng định Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; bổ sung nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo…, sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức Tòa án theo hướng không xác định các cấp tòa cụ thể.

Dự thảo cũng đã quy định trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt, đa số ý kiến nhất trí với quy định này, đồng thời đề nghị bổ sung quy định, trình tự, thủ tục xét xử của Tòa án đặc biệt do Quốc hội quy định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì cho rằng, trong điều kiện đất nước chiến tranh thì cần phải quy định Tòa án này, nhưng trong giai đoạn hiện nay là không cần thiết.

BCĐ nhận định, Điều 108 được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa Hiến pháp 1992, trong đó bổ sung một số nguyên tắc như: tranh tụng tại phiên tòa được đảm bảo, chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm được bảo đảm và một số quy định làm cơ sở cho việc áp dụng thủ tục rút gọn là cần thiết. Tuy nhiên cần giữ lại nguyên tắc “khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán” trong Hiến pháp nhằm đảm bảo vị trí, vai trò của Hội thẩm trong hoạt động xét xử. Đồng thời bổ sung quy định giải thích Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH cho TANDTC. Vì với chức năng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp cần giao cho TANDTC thực hiện thẩm quyền này. Mặt khác, thực tế thời gian qua TANDTC đang thực hiện nhiệm vụ này thông qua việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Điều 110, khoản 1 BCĐCCTP đề nghị bổ sung quy định: Chánh án TANDTC do Quốc hội bầu trong số các ĐBQH. Người đứng đầu TANDTC với tư cách là người đứng đầu cơ quan thực hiện quyền tư pháp, trước hết phải là người được nhân dân tín nhiệm thông qua việc bầu cử là đại biểu QH tương tự như quy định đối với Thủ tướng Chính phủ.

Trong dự thảo báo cáo BCĐ CCTPTƯ cũng đề nghị bổ sung chế định Hội đồng tư pháp quốc gia nhằm đảm bảo các điều kiện hoạt động độc lập cho Tòa án nhân dân, để Thẩm phán yên tâm hoạt động một cách độc lập, không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.

Đóng góp ý kiến thảo luận, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo của BCĐ, và đề nghị nên giữ nguyên quy định “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” (khoản 2 Điều 108) là phù hợp. Đồng thời quy định TANDTC được ban hành án lệ, vì đây là vấn đề rất quan trọng nhằm thống nhất đường lối xét xử những vụ án chưa có luật điều chỉnh đến, Thẩm phán có thể căn cứ vào đó để xét xử những vụ việc tương tự.

Nhiều đại biểu khác cũng nhất trí cao với dự thảo báo cáo, tuy nhiên cần thống nhất lại cách sử dụng từ ngữ cho phù hợp, quy chuẩn và đề nghị cân nhắc việc bổ sung chế định Hội đồng tư pháp quốc gia, phải có tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm các nước trên thế giới

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những ý kiến đóng góp vào bản dự thảo Báo cáo của BCĐ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chủ tịch nước đề nghị Ban Thường trực tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu hôm nay để BCĐ hoàn thiện báo cáo. Đối vói những ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung dự thảo cần có lập luận thấu đáo, kỹ càng để Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu dễ dàng. Về chương trình làm việc của BCĐ năm 2013, Chủ tịch nước đề nghị khẩn trương triển khai chương trình tổng kết NQ 49 của Bộ Chính trị về CCTP; thảo luận và thông qua các đề án về cơ sở vật chất ngành Tòa án, Kiểm sát và công tác thi hành án.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/thoi-su/thoi-cuoc/phien-hop-thu-10-ban-chi-dao-cctp-trung-uong-dong-gop-y-kien-vao-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992-20633.html