Philippines rút khỏi Siêu dự án Vành đai Con đường của Trung Quốc

Philippines đã rút khỏi các dự án thuộc kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc, nói rằng họ sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ khác sau khi Bắc Kinh không cung cấp vốn.

“Nghỉ chơi” vì 6 dự án chậm cấp vốn

Philippines vào cuối tháng 10 đã trở thành quốc gia mới nhất rút lui khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, khi Bộ trưởng Giao thông Philippines, ông Jaime Bautista nói với các phóng viên rằng việc rút lui đột ngột diễn ra sau khi Bắc Kinh không đáp ứng các yêu cầu tài trợ cho các dự án đường sắt.

 Trung Quốc và Philippines đang vướng vào tranh chấp kéo dài nhiều năm về lãnh thổ biển ở Biển Đông. (Nguồn: DW)

Trung Quốc và Philippines đang vướng vào tranh chấp kéo dài nhiều năm về lãnh thổ biển ở Biển Đông. (Nguồn: DW)

Trung Quốc đã cam kết tài trợ vốn gần 5 tỷ USD để xây dựng ba tuyến đường sắt, trong đó 2 tuyến ở Luzon và 1 tuyến ở Mindanao theo BRI - một nền tảng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh cung cấp các khoản vay do Trung Quốc hậu thuẫn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, chủ yếu ở các khu vực đang phát triển của thế giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Philippines đang vướng vào tranh chấp kéo dài nhiều năm về lãnh thổ biển ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các quan chức Philippines không đề cập đến căng thẳng lãnh thổ là lý do đằng sau việc rút khỏi dự án.

Don McLain Gill, nhà phân tích địa chính trị và giảng viên nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, nói với DW rằng 6 dự án khác cũng bị chậm trễ về nguồn tài chính, trong đó bao gồm dự án CCTV, dự án đập Kaliwa và Dự án Đường dài phía Nam của Đường sắt Quốc gia Philippine.

Ông nói: “Quyết định rút khỏi các dự án này có thể được cho là được thúc đẩy bởi các vấn đề tập trung vào tính bền vững của chúng và những lo ngại ngày càng tăng do việc Bắc Kinh không sẵn lòng hành động như một nước láng giềng có trách nhiệm”.

Lựa chọn thay thế: Nhật Bản và Ấn Độ

Với việc Trung Quốc dường như đang trì hoãn các dự án kinh tế của mình ở quốc gia Đông Nam Á này, thượng nghị sĩ Philippines, ông Sherwin Gatchalian nói với truyền thông địa phương rằng căng thẳng tranh chấp có thể là lý do khiến các dự án của Trung Quốc bị trì hoãn.

Nhưng ông Gill cho biết việc đình trệ các dự án do Trung Quốc tài trợ có thể giúp Philippines về lâu dài có thể hợp tác với các nước khác.

“Những diễn biến như vậy trên thực tế sẽ mang lại lợi ích cho chương trình phát triển dài hạn của Philippines, bởi Philippines sẵn sàng mở rộng và đa dạng hóa các đối tác kinh tế và phát triển của mình. Philippines hiện đang xem Nhật Bản và Ấn Độ là những nguồn tài trợ khả thi cho các dự án đường sắt”, ông Gill nói thêm.

Bất chấp việc Philippines rút khỏi BRI, nước này và Trung Quốc vẫn có quan hệ kinh tế chặt chẽ trong nhiều năm. Theo Ngân hàng Thế giới, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Manila trong những năm gần đây và là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ hai của nước này, chỉ xếp sau Mỹ.

Ông Jan Carlo Punongbayan, nhà kinh tế học Philippines và trợ lý giáo sư tại Trường Kinh tế Đại học Philippines, nói: “Trong tình hình hiện tại, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc không đáng kể. Việc ngừng đầu tư BRI sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến đầu tư ở Philippines”.

“Về mặt thương mại, Trung Quốc là một trong những đối tác lớn nhất của Philippines. Nhưng về mặt đầu tư, Philippines không phải là điểm đến lớn của các khoản đầu tư của Trung Quốc”, ông nhận định thêm.

Nhưng ông Punongbayan cho biết căng thẳng có thể gây nguy hiểm cho hai nước trong việc hợp tác trong các dự án phát triển trong tương lai.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác thương mại lớn của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, quan hệ đối tác giữa hai chính phủ có thể bị hạn chế hơn trong thời gian tới. Việc nhận được hỗ trợ phát triển chính thức từ Bắc Kinh hiện nay có thể khó khăn hơn do sự xâm nhập của Trung Quốc vào biển Tây Philippines”, ông Punongbayan nói.

Ông Gill cho biết có những dấu hiệu cho thấy Manila muốn ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Các quan chức Philippines cho biết họ tin tưởng vào việc đảm bảo nguồn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới hoặc Ngân hàng Phát triển Châu Á.

“Mong muốn của Manila về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc cũng có thể được hiểu là một yếu tố trong lợi ích an ninh rộng lớn hơn của nước này ở Biển Tây Philippines”, ông Gill nói.

Ông nói thêm: “Với mối quan hệ quyền lực bất cân xứng giữa Manila và Bắc Kinh, Philippines sẽ phải bắt tay vào cách tiếp cận đa chiều để giảm bớt rủi ro do sự trỗi dậy quyết đoán của Trung Quốc. Một trong những phương pháp này là giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế”.

Hồng Vân (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/philippines-rut-khoi-sieu-du-an-vanh-dai-con-duong-cua-trung-quoc-post271864.html