Phim ca nhạc: Đã có người đi nhưng bao giờ 'thành đường'?

Ở Việt Nam, dòng phim kết hợp giữa âm nhạc và diễn xuất này từ trước đến nay vốn chưa có chỗ đứng trên thị trường dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn.

Phim ca nhạc "Em và Trịnh" dự kiến ra rạp vào tháng Tư tới đây

Phim ca nhạc "Em và Trịnh" dự kiến ra rạp vào tháng Tư tới đây

Ít người làm, ít người xem

Bộ phim vừa đoạt giải Quả cầu vàng 2021 West side story của đạo diễn tài ba Steven Spielberg được tờ The Guardian nhắc đến như một điển hình thất bại của thể loại phim ca nhạc trong năm qua ở thị trường quốc tế. Tác phẩm này được đầu tư 100 triệu USD (chưa gồm chi phí quảng bá tiếp thị), nhưng sau ba tuần ra rạp chỉ thu về 36,6 triệu USD. Tại thị trường Việt Nam, bộ phim ra rạp ngày 24/12 với tựa Việt Câu chuyện phía tây, sau thời gian chiếu chỉ thu gần 460 triệu đồng (nguồn tham khảo của Box Office Việt Nam).

Con số này quá khiêm tốn khi đặt cạnh con số doanh thu hơn năm tỷ đồng của phim hành động Ma trận: Hồi sinh, và hơn bốn tỷ đồng của phim hoạt hình Nhóc Trùm: Nối nghiệp gia đình cũng phát hành ngày 24/12. Thậm chí, hàng loạt phim ra rạp tại Việt Nam sau Câu chuyện phía tây một tuần như Happy new year: Chúc mừng năm mới (tình cảm), Clifford chú chó đỏ khổng lồ (hoạt hình), Resident Evil: Quỷ dữ trỗi dậy (hành động kinh dị) cũng dễ dàng thu về từ 1,5-3,7 tỷ đồng.

Sự thờ ơ của khán giả Việt với West side story - dù đạo diễn Steven Spielberg là một tên tuổi lừng danh - không có gì ngạc nhiên, bởi từ lâu gu khán giả không dành cho phim ca nhạc. Những tác phẩm phim ảnh trong đó diễn viên vừa nhảy múa ca hát vừa diễn xuất lại không thịnh hành và ít được khán giả Việt ưa chuộng. Nhắc đến dòng phim ca nhạc tại Việt Nam, người xem chỉ nghĩ đến những phim ngắn ca nhạc của các ca sĩ. Phim ca nhạc đúng nghĩa mà ở đó các bài hát được xen lẫn với mạch kể, đóng vai trò phát triển cốt truyện và nhân vật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lẽ thường những gì hiếm thường được quý, nhưng với phim ca nhạc Việt, thì hầu như phim nào, điện ảnh hay truyền hình, cũng đều không được đánh giá cao, trừ trường hợp phim Những nụ hôn rực rỡ.

Xoay quanh sự kén khách của dòng phim này, biên đạo múa Tấn Lộc - gương mặt thường được các đạo diễn tìm tới khi làm phim ca nhạc - lý giải: “Khán giả ở các nước khác, nhất là các nước phát triển đễ đón nhận phim ca nhạc hơn. Ở nước ngoài, họ dạy nghệ thuật khắp nơi, ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp. Trẻ em nước ngoài được giao tiếp với âm nhạc, nhảy múa từ dân gian đến hiện đại từ rất sớm, nên việc đón nhận nhạc kịch có nền tảng từ đầu, còn trẻ em Việt Nam gần như chỉ có học. Diễn viên Việt Nam từ nhỏ có bao giờ được xem, nghe nhạc kịch đâu, trong khi làm nhạc kịch đòi hỏi người diễn viên phải đặt hồn vào vai diễn, hiểu tại sao phải múa động tác đó, hát lời đó, điều này quá khó cho họ”.

Đi mãi vẫn khó thành đường

Việc khán giả gặp khó khăn khi tiếp nhận phim ca nhạc, cảm thấy rối với sự đa dạng hóa về cách thức thể hiện: vừa ca hát, nhảy múa, diễn xuất trong một tác phẩm, đã trở thành rào cản khiến dòng phim này khó có thể trở thành trước lạ sau quen ở Việt Nam. Sự phức tạp trong quá trình làm phim ca nhạc cũng khiến các nhà sản xuất e ngại. Đạo diễn Thắng Vũ (phim Mùa viết tình ca) cho biết: “Khó nhất của phim ca nhạc là cách bắt đầu và kết thúc bài hát trong mỗi phân cảnh, vì đa phần khán giả Việt đang quen với hình thức kể chuyện, tự nhiên. Muốn chuyển sang cách tiếp cận khác, thì khi làm còn phải xác định xem bài hát dùng có hợp tâm lý nhân vật lúc đó không?”. Ngoài vấn đề chọn ca khúc phù hợp và tính toán số lượng bài hát hợp lý, tìm diễn viên cũng là chuyện đau đầu. Theo biên đạo múa Tấn Lộc, có những diễn viên múa vốn diễn rất giỏi trên sân khấu nhưng đứng trước ống kính máy quay lại bị sượng. Phải thừa nhận, làng nhạc Việt có nhiều ca sĩ hát hay, nhảy đẹp, làng phim cũng không thiếu diễn viên có thực lực diễn xuất, nhưng tìm người giỏi tất cả các kỹ năng trên là điều rất khó.

Bên cạnh đó, hai yếu tố cơ bản là kịch bản và kinh phí cũng là trở ngại muôn thuở với bất cứ dòng phim nào. Một phim điện ảnh thông thường chỉ cần vài ba ca khúc, còn phim ca nhạc, số lượng bài hát phải nhiều hơn, nhất là phim truyền hình, đồng nghĩa với việc kinh phí sản xuất bị đội lên, biên kịch cũng vất vả hơn để tạo ra sự hòa quyện giữa cốt truyện và âm nhạc.

Tuy nhiên, nhiêu khê nhất trong quá trình làm phim ca nhạc phải kể đến sự phối hợp cao giữa các bộ phận như đạo diễn, biên đạo, diễn viên, nhạc sĩ, quay phim. Biên đạo múa Tấn Lộc kể: “Trong một phim tôi đang làm với đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, có cảnh nhân vật nữ đi với nam chính trên một dốc cầu thang dài hơn 100m, và vừa hát vừa nhảy. Tôi bàn bạc với đạo diễn để biết anh muốn gì, bàn với nhạc sĩ để tính xem có bao nhiêu bậc cầu thang, ứng với bao nhiêu khuôn nhạc, những khoảng nghỉ, khoảng lặng ở chỗ nào, lúc diễn viên đứng lại giai điệu ra sao. Sau đó tìm studio có cầu thang với độ dài tương tự để diễn viên tập, ra hiện trường phải tập thêm bốn ngày nữa”.

Quá nhiều cái khó như trên đã gây nản lòng những nhà làm phim muốn biến phim ca nhạc thành món ăn trước lạ sau quen cho khán giả Việt. Khán giả cũng không được lớn lên với âm nhạc, nghệ thuật để có thể sẵn sàng cho việc tiếp nhận, thưởng thức phim ca nhạc. Hiện trạng đó khiến phim ca nhạc dần bị quên lãng trong bộ nhớ của người làm, người xem. Phim ca nhạc “made in Việt Nam” đã có người đi, nhưng xem ra để thành đường thì không biết đến bao giờ.

NM

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phim-ca-nhac-da-co-nguoi-di-nhung-bao-gio-thanh-duong-post431832.html