Phim Cám - khi truyện cổ được nhìn từ góc khác

Là một dự án điện ảnh được trông chờ trong năm 2024, phim Cám của đạo diễn Trần Hữu Tấn trước khi khởi quay đã nhận được nhiều sự quan tâm của những người yêu điện ảnh Việt Nam.

Từ khi chính thức ra rạp vào ngày 20/9/2024, sau khoảng 10 ngày, theo thống kê của Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim đã đạt doanh thu hơn 80 tỉ đồng, trở thành một trong những bộ phim kinh dị có doanh thu cực kỳ ấn tượng. Vậy điều gì đã kéo khán giả đến rạp và chọn xem bộ phim này? Phim Cám có phải đã tạo nên sự đột phá trong dòng phim kinh dị ở Việt Nam hay không?

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim

Cám

. Ảnh: NSX

Câu chuyện mới, thông điệp sâu

Tấm Cám có lẽ là một trong những câu chuyện cổ tích gợi nhiều cảm hứng cho nghệ thuật nói chung và điện ảnh Việt nói riêng không chỉ vì sự quen thuộc mà còn vì tính phức tạp, thậm chí gây tranh cãi trong cách đánh giá, nhìn nhận nhân vật, tình tiết và thông điệp mà tác phẩm này gợi ra.

Sau Tấm Cám: chuyện chưa kể được sản xuất vào năm 2016 của đạo diễn Ngô Thanh Vân, Cám của đạo diễn Trần Hữu Tấn tiếp tục khai thác truyện cổ tích này nhưng từ một góc nhìn khác. Với Cám, những nhà làm phim đã chọn kể câu chuyện về Cám - một nhân vật xuyên suốt truyện cổ nhưng ít có tiếng nói, bị phụ thuộc vào mẹ và cùng với mẹ trở thành một trong những nhân vật tiêu biểu cho kiểu nhân vật ác trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.

Cám trong phim được xây dựng theo hướng đối nghịch với truyện cổ, đặt trong bối cảnh một gia tộc lâu đời với lời nguyền xuyên thế hệ. Những yếu tố của truyện cổ giờ đây chỉ còn đóng vai trò nền tảng cho sự hiểu biết của người xem về mối quan hệ của các nhân vật. Cuộc đời Cám trong phim vì thế là một câu chuyện rất khác.

Cám trong phim Cám vẫn là một nhân vật ác. Nhưng thay vì tập trung vào tính ác của nhân vật này, bộ phim chú trọng đi tìm nguyên nhân hình thành nên cái ác bên trong nhân vật. Do vậy, phim trình hiện lại con đường một con người thiện lương bị tha hóa. Cám mang vẻ ngoài dị dạng nhưng sâu bên trong ẩn chứa một trái tim nhân hậu. Tuy nhiên, tâm hồn trong sáng của Cám không đủ sức kháng cự lại cái ác: lòng tham của gia tộc, của người tình, những định kiến khắc nghiệt đến tàn nhẫn của xã hội.

Các nhà làm phim đã cố gắng đẩy Cám đến điểm cuối cùng của sự chịu đựng để nhân vật không còn con đường nào khác ngoài phải hắc hóa. Cái ác sẽ sinh ra cái ác. Và trong một số trường hợp, chỉ có thể kháng cự lại cái ác bằng chính cái ác. Lý giải cái ác của Cám từ góc độ này, các nhà làm phim không chỉ cho thấy cái nhìn biện chứng, nhân văn về con người, mà còn tiếp tục cất lên tiếng nói cảnh tỉnh về sự lây lan và tạo sinh cái ác vốn đã được gợi ra nơi truyện xưa tích cũ. Cho nên, dẫu rằng đây không phải là thông điệp mới, nhưng nó vẫn chưa bao giờ cũ và chưa bao giờ hết tính thời sự. Đề cập đến một vấn đề có tính chất muôn thuở như vậy, phim Cám rõ ràng đã nỗ lực chuyển tải một thông điệp sâu để chạm đến suy tư nơi người xem.

Đủ kinh dị, gợi hiếu kỳ

Thể loại phim kinh dị có lẽ không phải là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam. Thế nhưng, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã dần khẳng định được khả năng trong dòng phim này qua những thành công của các bộ phim Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn trong thời gian vừa qua. Khi Cám được hé lộ là bộ phim kinh dị, khán giả ngay lập tức đặt nhiều kỳ vọng rằng Trần Hữu Tấn sẽ tạo ra một siêu phẩm nữa.

Phim Cám được bao bọc trong bầu không khí ma mị, quỷ dị, kỳ bí khi nó chứa đựng hàng loạt mô típ mang màu sắc huyền ảo như việc gia tộc Hai Hoàng (Quốc Cường đóng) ký giao kèo với Bạch Lão, đứa trẻ mang lời nguyền, đoạt hồn đổi xác, hiến sinh trinh nữ… Phim cũng đậm đặc các chi tiết kinh dị như gương mặt dị dạng của Cám, bộ mặt của Bạch Lão, hành động giết người trả thù và cải lão hoàn đồng của Cám, những hồn ma lẩn khuất của các trinh nữ chết oan, khung cảnh hiến sinh trong rừng sâu, không gian tăm tối, âm u trong làng,…

Điều ấn tượng nhất của Cám chính là việc các mô típ và chi tiết kinh dị đều được đầu tư hóa trang, dàn dựng, tạo bối cảnh xuất hiện kỹ lưỡng, tạo nên hiệu ứng thị giác khá tốt. Phim của Trần Hữu Tấn nói chung và phim Cám nói riêng đã khắc phục được một trong những điểm yếu của phim kinh dị Việt là tính sơ sài, đại khái, giả tạo trong các khâu này. Bên cạnh đó, diễn xuất tương đối tốt của nhân vật chính Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng) và Tấm (Rima Thanh Vy đóng) cũng góp phần tạo nên không khí ghê rợn của phim. Do đó, có thể nói, từ Tết ở làng địa ngục cho đến Cám, chất kinh dị của “thương hiệu” Trần Hữu Tấn vẫn không làm khán giả thất vọng.

Thừa chi tiết, thiếu bất ngờ

Tuy có những điểm sáng để Cám trở thành một bộ phim ăn khách, song phim cũng còn những “hạt sạn” đáng tiếc khiến khán giả không thật sự cảm thấy thỏa mãn với trải nghiệm xem phim. Với tham vọng khắc họa một nhân vật Cám vì nghịch cảnh mà trở nên ác độc, các nhà làm phim đã tạo ra quá nhiều tình huống để đẩy nhân vật vào chỗ phải oán hận mà báo thù nên nhiều chi tiết bị trùng lặp, đôi chỗ khá gượng gạo, như sự ghẻ lạnh của người mẹ, sự vô tình của người cha, sự chì chiết, xua đuổi, xa lánh của dân làng…

Những cảnh giết người kinh dị, đẫm máu cũng xuất hiện với tần suất cao khiến hiệu ứng tạo sự hồi hộp, sợ hãi bị giảm dần về sau. Từ nửa sau của phim, có lẽ không mấy khán giả còn cảm thấy bộ phim rùng rợn nữa. Cố gắng đưa thật nhiều yếu tố kinh dị để thu hút khán giả nhưng chính sự thiếu chọn lọc và tiết chế đã khiến bộ phim trở nên dài dòng không đáng có.

Với phim thương mại, tính giải trí được đưa lên hàng đầu. Với thể loại kinh dị, tính giải trí được thể hiện ở yếu tố rùng rợn, gây ra sự sợ hãi cùng những cú plot twist (các chi tiết bước ngoặt đầy bất ngờ, giật gân) mà khán giả không thể lường trước. Phim Cám có hai tình huống plot twist như vậy, nhưng cả hai đều quá dễ đoán. Kết thúc của phim đường đột và đại khái đến sơ sài. Phim mở ra với câu chuyện lời nguyền ngàn năm cùng bao nhiêu uẩn khúc nhưng khép lại chỉ bằng một… lời dẫn chuyện ngắn ngủi. Kết thúc mang lại bất ngờ cho khán giả, nhưng đó là bất ngờ trong hụt hẫng!

Cám có thể đã thành công hơn và chiếm được nhiều tình cảm của khán giả hơn nếu được chú trọng đầu tư xây dựng một kịch bản gọn gàng, chặt chẽ, có cao trào, có lắng đọng, đưa khán giả qua các cung bậc cảm xúc khác nhau rồi cuối cùng hạ màn bằng một cái kết đủ chấn động tâm can để có thể chuyển tải thông điệp đến khán giả một cách sâu sắc. Cám khắc phục được hạn chế của phim kinh dị Việt về trang phục, hóa trang, tạo bối cảnh, nhưng cuối cùng vẫn chưa tạo nên sự đột phá bởi một kịch bản có quá nhiều điểm yếu như vậy. Và cũng chính kịch bản đã khiến các nhân vật thiếu sức sống và chiều sâu tâm lý, các diễn viên do đó chỉ dừng lại ở mức tròn vai là chủ yếu.

Sau những ngày công chiếu đầu tiên, doanh thu của Cám đang tiếp tục tăng lên. Thành công về doanh thu tuy không phản ánh đúng và đủ chất lượng của một bộ phim, nhưng nó cho thấy phim đã thành công ở những mặt nhất định.

Với Cám, thành công đó đến từ hiệu ứng mang tên Trần Hữu Tấn trong dòng phim kinh dị đẫm máu, từ cách chọn kể một câu chuyện mới trên nền một cốt truyện cũ để đáp ứng thị hiếu khán giả hiện nay, từ cách làm truyền thông thông minh, từ cách chọn thời điểm ra rạp khi không có đối thủ đáng gờm nào cạnh tranh. Chỉ tiếc, Cám vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng mà khán giả đã dành cho nó từ khi chỉ còn là một dự án.

VÕ NGUYỄN BÍCH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/321430/phim-cam-khi-truyen-co-duoc-nhin-tu-goc-khac.html