Phim 'đặt hàng', vẫn hay

Một cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên. Nguồn: TT-VH

Truyền thuyết về Quán Tiên là phim điện ảnh nổi bật về chiến tranh do Đinh Tuấn Vũ đạo diễn, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Xuân Thiều. Tập trung khai thác nội tâm, thân phận con người trong bối cảnh chiến tranh, Truyền thuyết về Quán Tiên đoạt Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2019, Cánh Diều Bạc năm 2020.

Trong Truyền thuyết về Quán Tiên, ba nữ thanh niên xung phong: Mùi (Thúy Hằng đóng), Phượng (Minh Khuê đóng) và Tuyết Lan (Mai Anh đóng) làm nhiệm vụ tại một điểm dừng chân giữa rừng già. Công việc của họ là chuẩn bị thực phẩm để tiếp sức cho bộ đội trên đường hành quân vào Nam chiến đấu. Hang động nơi ba cô gái trẻ bám trụ có tên là Quán Tiên. Tại nơi này, họ không chỉ đối mặt với hiểm nguy từ bom đạn, từ thú dữ mà còn phải chống chọi với nỗi cô đơn, sự thiếu thốn tình cảm… Họ phải đấu tranh với chính mình.

Khai thác đề tài chiến tranh song không theo lối mòn, Truyền thuyết về Quán Tiên đi sâu vào nội tâm nhân vật, thân phận con người giữa khói lửa chiến tranh. Bám trụ tại trạm dừng chân giữa rừng già, ba nữ thanh niên xung phong khát khao cống hiến, khát khao tình cảm và mong ước được sống hạnh phúc khi hòa bình. Một cô mới lấy chồng được ba ngày thì chồng đi bộ đội, suốt 5 năm không có thư từ. Một cô mắc chứng cuồng loạn (hysteria) - căn bệnh không phải hiếm gặp nhưng ít được đề cập trong các bộ phim về chiến tranh. “Chúng tôi đã xây dựng những nhân vật tiêu biểu trong tình huống, hoàn cảnh tiêu biểu. Cái hang mà chúng tôi tìm được rất đẹp. Nhưng bây giờ, trong thời bình, nếu cho mình vào đấy, cứ ở đấy triền miên thì cũng đủ sợ đủ ốm, huống chi là ngày trước. Bom đạn như thế, thú dữ như thế. Bộ đội thì thỉnh thoảng mới ghé qua. Ba cô gái đối mặt với hiểm nguy từ bom đạn, từ thú dữ và chiến đấu với sự cô đơn. Sự cô đơn rất kinh khủng, nhất là đối với những cô gái mới mười tám đôi mươi. Rồi thêm sốt rét và những chuyện thầm kín của phụ nữ... Nhưng cuối cùng, các cô vẫn vượt qua được”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Hongngat Film - đơn vị cùng Công ty CP Sáng tạo DV&H hợp tác sản xuất phim Truyền thuyết về Quán Tiên, chia sẻ.

Xem Truyền thuyết về Quán Tiên, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét rằng làm phim này giống như… làm xiếc trên dây. Bởi nếu khai thác nhiều về sự yếu đuối của các nhân vật thì không còn tinh thần ca ngợi, nhưng nếu nhân vật “vững vàng” quá thì phim sẽ “khô”, không thật. “Con người, điều quan trọng nhất là chiến thắng chính mình. Các nhân vật đã giấu nước mắt vào trong, người này động viên người kia, khi bộ đội đến thì vẫn vui vẻ cơm ngon canh ngọt. Phim có nhiều cảnh quay làm cho người xem rớt nước mắt vì cảm động”, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nói.

Truyền thuyết về Quán Tiên không chỉ có câu chuyện, tình tiết hấp dẫn mà còn có nhiều cảnh quay đẹp, tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Trong phim có một “nhân vật” đặc biệt: con vượn. Có lẽ đây là lần đầu tiên điện ảnh Việt đưa một con vượn trở thành nhân vật thứ trong phim. Con vượn sống cạnh suối - nơi ba cô gái thường tắm. Vợ con vượn đã chết vì bom, còn lại một mình, con vượn cũng thèm hơi người. Không hiểu sao con vượn chỉ thích mỗi cô đã có chồng và khi nào cô này ra suối thì nó mới xuất hiện, trêu chọc, có khi ném cho một chùm sung. Nhân vật con vượn cũng góp phần tạo thêm tính hấp dẫn của bộ phim. “Chúng tôi cũng muốn đánh tan ý nghĩ rằng phim đặt hàng của Nhà nước thì khô cứng, phí tiền của Nhà nước, bán không được mấy vé”, bà Hồng Ngát nói.

Theo Giám đốc Hongngat Film, trong hai tháng quay Truyền thuyết về Quán Tiên tại Quảng Bình, ấn tượng sâu đậm nhất chính là tình cảm của người dân địa phương. Nhà biên kịch kể: “Người dân giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, từ việc nấu ăn cho cả đoàn đến vận chuyển máy móc, đạo cụ, phục trang… Máy móc ôi chao nặng lắm. Có một đơn vị đảm nhận việc này. Chúng tôi quay dưới một cái thung, để đến đó thì phải đi xuống một con dốc đứng. Họ đã buộc dây chão rất dài và thắt nút từng đoạn để cho chúng tôi vịn vào đấy và không bị trượt ngã khi đi xuống. Mình đi chóng hết cả mặt, còn họ thì vận chuyển máy móc, phục trang, đạo cụ nữa. Đến bữa thì họ lại gùi cơm vào cho chúng tôi ăn. Anh em chuyên đưa các đoàn du khách đi khám phá, ai cũng có cái gùi rất to ở sau lưng. Họ làm việc rất chuyên nghiệp. Đương nhiên làm thì phải có hợp đồng, có thù lao nhưng đấy cũng chỉ là giá trị tương đối. Cái tình mới là quan trọng”.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/240767/phim--dat-hang--van-hay.html