Phim hành động Việt: Mãn nhãn thôi chưa đủ

Kể từ cú 'ngã ngựa' của 'Dòng máu anh hùng' hồi năm 2007, lời nguyền 'muốn lỗ hãy làm phim hành động' không thôi ám ảnh nền điện ảnh Việt. Đến nay, dù đã có nhiều cải tiến về diễn xuất, võ thuật lẫn kỹ xảo, thể loại này vẫn chịu số phận hẩm hiu so với các thể loại khác.

“Domino: Lối thoát cuối cùng” là tác phẩm hành động mới nhất trình làng trên màn bạc giữa tháng 10 này. Phim kể về hành trình báo thù của An - con trai một ông trùm Việt kiều khét tiếng ở Mỹ. Vì thâm thù giữa các băng đảng, cha An bị sát hại. An buộc phải rời Việt Nam lên đường sang Mỹ để tìm kẻ sát nhân. Từ đây những thế lực ngầm đen tối của người Việt trên xứ cờ hoa lần lượt được phơi bày, lôi kéo An vào vòng xoáy sinh tử.

Phim "Domino: Lối thoát cuối cùng" có nguy cơ lỗ nặng khi rời rạp.

Phim "Domino: Lối thoát cuối cùng" có nguy cơ lỗ nặng khi rời rạp.

Bối cảnh được quay phần lớn ở Mỹ, cụ thể là thành phố Houston. Thế nhưng bối cảnh nước ngoài cực ngầu lẫn cảnh hành động gay cấn, pha rượt đuổi nghẹt thở không thể cứu nổi doanh thu bộ phim. Sau tám ngày công chiếu, bộ phim hành động của đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương chỉ mới thu về hơn 550 triệu đồng, cầm chắc nguy cơ lỗ nặng khi rời rạp.

Sự thất bại của “Domino: Lối thoát cuối cùng” không khiến giới chuyên môn và công chúng ngạc nhiên. Bởi trước đó, vô số tác phẩm thuộc dòng hành động của nhà sản xuất Việt “ngã đau”. “Kẻ ẩn danh”, “578: Phát đạn của kẻ điên”, “Hiệp sĩ mù”, “Truy sát”. “Găng tay đỏ”, “Đỉnh mù sương”, “Võ sinh đại chiến”… đều có doanh thu bết bát.

Thậm chí, số ít tác phẩm chưa kịp nguội máy đã bị cấm chiếu như “Bụi đời Chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn. Giữa loạt phim “chết” như ngả rạ, số phim hành động thu hồi vốn hoặc có lãi cực kỳ hiếm. Điểm qua chỉ có “Lật mặt 1”, “Lật mặt 5” của Lý Hải, “Chị Mười Ba” của Thu Trang - Tiến Luật, “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân, “Hương Ga” của Trương Ngọc Ánh…

Tuy nhiên “Lật mặt”, “Chị Mười Ba”, “Hương Ga” vẫn là dạng hành động pha hài hoặc hành động pha tâm lý - tình cảm chứ chưa phải là dòng hành động thuần túy. Phim hành động thuần túy gặt hái thành công rực rỡ chỉ có duy nhất “Hai Phượng” ra rạp năm 2019. Phim thu về 200 tỷ đồng, trở thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại trước khi bị “Bố già” soán ngôi năm 2021.

Sau “Hai Phượng”, những tưởng phim hành động Việt đã sang trang. Vậy mà không, hàng loạt tác phẩm hồ hởi nối đuôi ra mắt sau đó đều “chết” tức tưởi. Cái “chết” đau đớn nhất phải kể đến “Thanh Sói”. Đứa con tinh thần của nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên Ngô Thanh Vân mất một thời gian dài mới thành hình và ra rạp năm 2022. Phim giành được nhiều kỳ vọng của công chúng lẫn truyền thông bởi “Thanh Sói” được xem là phần hai của “Hai Phượng”, khai thác cuộc đời thăng trầm của chị đại Thanh Sói - đối thủ đáng gờm với Hai Phượng trong phần đầu. Sự thành công của phần một và độ chịu chơi của ekip ở phần hai khiến ai ai cũng đinh ninh phần hai sẽ lập kỷ lục mới. Thế nên người ta không khỏi sửng sốt và choáng váng khi hay tin “Thanh Sói” ảm đạm ở phòng vé.

Hơn 10 năm trước, người hâm mộ quay lưng với phim hành động “made in Việt Nam” là bởi hầu hết các bộ phim này có chất lượng kém, cẩu thả. Thiếu diễn viên biết võ hoặc diễn viên ngại mạo hiểm nên ekip thường lạm dụng cascadeur (người đóng thế). Điều này khiến đa số cảnh hành động, mạo hiểm trông giả tạo, nặng tính sắp đặt. Pha rượt đuổi cũng không tự nhiên mà khiên cưỡng, chậm chạp. Thiếu kinh phí lẫn điều kiện máy móc, công nghệ khiến hiệu ứng cháy nổ hay kỹ xảo nhà cửa đổ nát sượng trân.

Bây giờ, nhà làm phim đã chịu đầu tư hơn khi dày công đào tạo võ thuật cho diễn viên. Ngô Thanh Vân mất gần một năm để dàn “đả nữ” đóng “Thanh Sói” gồm Đồng Ánh Quỳnh, Tóc Tiên, Rima Thanh Vy… tập đánh đấm. Kinh phí rủng rỉnh hơn thì ekip mời những người biết võ thuật tham gia đóng phim như võ sư Simon Kook, võ sư Tuấn Hạc, đô vật Hà Văn Hiếu, võ sĩ quyền Anh Mike Tyson ... Hình ảnh cũng được chăm chút kỹ lưỡng giúp người xem đạt được hiệu quả thị giác cao nhất.

Trong “Domino: Lối thoát cuối cùng”, nhiều góc máy rất sáng tạo ghi lại cảnh cận chiến khiến người xem thấy được sự khốc liệt, đẫm máu khi hai băng đảng thanh trừng nhau. “Thanh Sói” lẫn “578: Phát đạn của kẻ điên” đều có chất hành động bạo liệt. Đạo diễn Lương Đình Dũng dồn nhiều tâm sức vào cảnh rượt đuổi bằng container nơi núi đá cheo leo. Song loạt tác phẩm này vẫn bị khán giả quay lưng.

Cảnh trong phim "Thanh Sói".

Cảnh trong phim "Thanh Sói".

Nhiều người cho rằng phim thất bại do thiếu kinh phí quảng bá. Nhưng “Thanh Sói” và nhiều phim khác cũng từng quảng bá, giới thiệu rất rầm rộ trước khi ra rạp. Số khác lại cho rằng phim ế ẩm là do thiếu diễn viên ngôi sao ăn khách. “Kẻ ẩn danh” có ông hoàng “triệu view” Kiều Minh Tuấn đóng chính, “Hiệp sĩ mù” có sự góp mặt của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, “Truy sát” có Trương Ngọc Ánh… vẫn “chết” như thường.

Vậy lý do gì khiến phim hành động Việt mãi dính lời nguyền thua lỗ trong khi phim hành động nước ngoài vẫn là cỗ máy hút khách? Mổ xẻ vấn đề, ông Quang Phước - cựu quản lý truyền thông cho một hãng phát hành nhận định: “Cái cốt lõi là phải nhìn ngó lại căn tính của phim hành động Việt sẽ nên như thế nào mới phải đạo và đúng điệu với khán giả quê xứ. Chứ nếu chỉ riêng thành tố hành động có chất thì hoàn toàn không đủ, bất kể có được giới làm nghề nâng cấp chỉn chu cách mấy đi nữa. Nhìn các phim hành động Việt ra mắt trong vài năm gần đây thì biết, chất lượng sản xuất có thể nói là ngang ngửa với phim hành động khu vực. Thế nhưng phần lớn phim hành động Việt dù có chất cách mấy thì đều “chìm” trong mắt giới quan sát, phê bình, truyền thông và khán giả mục tiêu. Thành ra ngó bộ căn cơ cốt lõi của vụ này chính là phải tìm ra được căn tính nhất thiết phải có của phim hành động Việt”.

Căn tính mà ông Phước nhấn mạnh ở đây chính là chất riêng của phim hành động Việt. Chính chất riêng này giúp phim hành động Việt khác phim hành động Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) hay Mỹ. Phân tích kỹ sự thành công của “Hai Phượng” sẽ tìm thấy căn tính này. “Hai Phượng” được khen là dòng hành động đúng chất Việt bởi cảnh rượt đuổi nghẹt thở bằng xe máy cà tàng, bằng xuồng máy…; vũ khí sát thương đậm chất bản địa như trái sầu riêng, lục bình, cục gạch, mái chèo… thậm chí là ba cây nhang đang cháy. Thế võ Vovinam liên hoàn khi cận chiến, tạo hình nhân vật trong chiếc áo bà ba, bối cảnh sông nước miền Tây, lối xưng hô dân dã, ngõ hẻm đô thị Sài Gòn... Những điều này hoàn toàn chưa xuất hiện trong bất cứ bộ phim hành động ngoại quốc nào.

“Lật mặt” của Lý Hải cũng khiến người xem yêu thích bởi ngoài thể loại hành động pha hài thì sự mộc mạc, bình dân của bối cảnh lẫn câu chuyện khiến người xem đồng cảm. Nhắc đến “căn tính” Việt không thể không nhắc đến “Dòng máu anh hùng”. Đây là bộ phim đậm chất Việt từ nội dung phim là bản anh hùng ca chống giặc Pháp đến pha hành động là thế võ Vovinam tuyệt đẹp. Sự thất bại ở mặt doanh thu chỉ đơn giản do phim ra đời sai thời điểm. Thế nên bây giờ, một chiến dịch vận động để “Dòng máu anh hùng” trở lại màn ảnh rộng đang được người yêu điện ảnh khởi xướng. Họ tin chắc “đứa con” của Charlie Nguyễn sẽ làm nên chuyện.

Sự thất bại của loạt phim hành động Việt gần đây đều do thiếu “căn tính” này. “Domino: Lối thoát cuối cùng” dù rất mãn nhãn nhưng người xem không khó nhận ra kiểu cách của phim hành động Mỹ. “Thanh Sói” pha trộn một ít phim xã hội đen Hồng Kông, một ít phim “Những thiên thần của Charlie”. “Hiệp sĩ mù” na ná phim giang hồ Trung Quốc. Kiểu bắt chước xứ người lẫn kịch bản đi theo lối mòn, nhiều lổ hổng khiến phim hành động Việt mãi chôn chân tại chỗ. Chiếm thế thượng phong ở phòng vé bây giờ vẫn là dòng kinh dị, rom-com (lãng mạn - hài hước) và tâm lý - tình cảm. Không hẳn vì các dòng phim trên ít kinh phí hay dễ làm hơn phim hành động, mà chính là chúng đã tìm thấy căn tính của riêng mình.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phim-hanh-dong-viet-man-nhan-thoi-chua-du-i748202/