Phim kinh dị 'Thất sơn tâm linh' - gieo hay nhưng gặt dở?

Không thể phủ nhận 'Thất sơn tâm linh' có cốt truyện tốt, kịch tính, nhiều tứ hay nhưng khâu giải quyết lại có vấn đề. Điện ảnh Hollywood cổ điển gọi là gieo hay nhưng gặt dở.

* Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim.

Gieo - gặt (sow - reap) là một trong những nguyên tắc bất thành văn của Hollywood cổ điển, và đến nay vẫn có ảnh hưởng sâu rộng đến giới làm phim, như một quy chuẩn của điện ảnh. Tình tiết trước phải khơi gợi, đặt câu hỏi cho tình tiết sau, và tình tiết sau phải trả lời, giải đáp cho những thắc mắc của tình tiết trước.

Giới nghiên cứu lý luận thậm chí từng ví von việc gieo - gặt chi tiết trong một bộ phim cũng giống như người nông dân trồng hoa màu. Không gieo hạt thì không có gì mà gặt. Nhưng đã gieo thành công mà quên thu hoạch thì cũng xôi hỏng, bỏng không, vừa gây tiếc nuối, vừa như làm việc vô ích.

Thất sơn tâm linh đang được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

Thất sơn tâm linh đang được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

Thất sơn tâm linh rơi vào trường hợp trên. Là một bộ phim được chờ đợi, là một tác phẩm được đầu tư. Diễn xuất tốt, cốt truyện cũng đáng xem. Nhưng lại gieo mà quên gặt.

Rất nhiều tình tiết được đưa ra, và đã không có lời giải đáp ngọn ngành, hợp lý. Chính điều này khiến khán giả vẫn ra rạp xem phim nhưng vẫn chê, vẫn thất vọng, vẫn tiếc nuối.

Có một người biết bản chất của Huỳnh nhưng…

Trong những cuộc bàn luận về Thất sơn tâm linh đang rôm rả trên mạng, số đông bàn luận về Huỳnh (Quang Tuấn), Sỏi (Hoàng Yến Chibi) hay Múi (Đinh Y Nhung). Thế nhưng có một nhân vật cũng hấp dẫn không kém dù ít được nhắc đến là cụ bà của NSƯT Lê Thiện.

Bởi lẽ, đây là nhân vật duy nhất đã sớm nhận ra Huỳnh chỉ là một tay lừa đảo dưới vỏ bọc một thầy lang. Không hề có chuyện cứu người, những trò của Huỳnh chỉ là yêu ma, tà đạo, hại người.

Khi thấy Huỳnh “dở trò” với cháu của mình, cụ bà đã hét lên: “Hãy dừng lại đi”. Bằng chính kinh nghiệm dân gian của mình, cụ bà nhận ra Huỳnh đang dùng những thứ trái chất với nhau, và nó sẽ tạo nên thuốc độc, chứ không phải thuốc chữa bệnh.

Nhưng sức lực và tiếng nói của một cụ bà tóc đã hoa râm không thể thắng được, cũng không thể cản được những niềm tin mù quáng đang tràn ngập căn phòng, nhất là khi người bệnh, bằng một cách nào đó lại bình phục ngay sau đó.

Phim có nhiều tình tiết hấp dẫn nhưng đã không được giải quyết ngọn ngành.

Phim có nhiều tình tiết hấp dẫn nhưng đã không được giải quyết ngọn ngành.

Cụ bà của NSƯT Lê Thiện đã im lặng trong sự lớn mạnh về "quyền năng" của Huỳnh, giữa một ngôi làng miền Tây sông nước. Nhưng những hoài nghi thì chưa bao giờ hết. Một lần khác thấy Huỳnh hứa hẹn về việc chữa bệnh chậm con cho phụ nữ, cụ bà nằm võng đung đưa từ xa nhưng gửi đến một ánh mắt sắc lạnh như muốn vạch trần sự thật.

Nhưng sự thật đã không được vạch trần. Ngoài những hoài nghi, nhân vật cụ bà của Lê Thiện không làm được gì khác, và cũng không có đóng góp gì trong việc “lật mặt” Huỳnh. Không một tín hiệu, không một thông điệp, không một sự giúp sức. Không gì cả.

Nhân vật đã được gieo đầy hấp dẫn, như người duy nhất biết được sự thật nhưng đã không có một kết quả nào được thu hoạch. Giá như có một sự kết nối giữa cụ bà và Sỏi, biết đâu lại làm nên một chuyện hay.

Cụ bà trở thành dẫn chứng tiêu biểu trong rất nhiều dẫn chứng khác trong phim, cho thấy tác phẩm đã gieo tốt nhưng gặt lại dở, thậm chí quên cả gặt. Và hậu quả, là một tác phẩm nửa vời, không đầu không cuối.

Nửa vời nhưng có đáng xem?

Xem Thất sơn tâm linh, dễ thấy một bộ phim quên gặt chi tiết dù đã gieo thành công. Nhưng cũng lại có người bình luận rằng thực tế không phải phim quên “gặt” mà là không thể gặt, vì một lý do nào đó.

Và hẳn cũng phải có lý khi Hoàng Yến Chibi khóc nức nở sau khi xem phim. Nữ diễn viên thành thật bản ngoài rạp đã không giống hoàn toàn bản cô đã xem cùng ê-kíp trước đó, và do vậy, mong khán giả "thương tình".

Nhưng, phần đông khán giả không thể biết được những câu chuyện hậu trường. Dù với bất kỳ lý do gì, bộ phim chiếu công khai vẫn là tác phẩm trước công chúng. Và trách nhiệm để có được một tác phẩm tròn trịa vẫn thuộc về đoàn làm phim và nhà sản xuất dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ tác động ngoại cảnh nào.

Thất sơn tâm linh đã không thể trở thành một tác phẩm thuyết phục công chúng vì lẽ đó. Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận những nỗ lực sáng tạo của đạo diễn Hàm Trần trong tác phẩm.

Lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, Thất sơn tâm linh có một cốt truyện kịch tính, và xứng đáng là một trong trong những bộ phim kinh dị đúng nghĩa nhất mà điện ảnh Việt đã có. Những thắt nút, mở nút về tâm lý nhân vật đều đáng khen, trong những gương mặt diễn xuất tốt.

Quang Tuấn, Hoàng Yến Chibi có lẽ đều đã có vai diễn để đời về tâm lý với tác phẩm này. Dù cũng có điểm đáng tiếc là tâm lý của nhân vật đã không song hành trọn vẹn cùng tình tiết. Nhiều lần tâm lý bị đứt quãng, có thể do thiếu cảnh hoặc do cách xử lý còn non tay của quay phim và đạo diễn.

Diễn xuất của các diễn viên trong phim nhận được khen ngợi.

Diễn xuất của các diễn viên trong phim nhận được khen ngợi.

Ngoài diễn xuất và tâm lý của nhân vật, hình xăm hay cách bài trí trong phim cũng được cho là gần gũi với đời sống tâm linh có thật, vốn vẫn đang tồn tại ở một cộng đồng dân cư ở các nước láng giềng. Điều này chứng tỏ đạo diễn và biên kịch đã dụng công tìm hiểu, tham vọng xây dựng một bộ phim với những ẩn ức tâm linh có thật.

Quang Đức

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phim-kinh-di-that-son-tam-linh-gieo-hay-nhung-gat-do-post1000315.html