Phim Việt, những tín hiệu khởi sắc

Đạo diễn Victor Vũ đã chính thức công bố dự án điện ảnh mới mang tên 'Người vợ cuối cùng', sau 10 năm kể từ sau bom tấn 'Thiên mệnh anh hùng' thành công mỹ mãn. Cũng rất đáng kể khi trong tập 14 của bộ phim 'Glory' 2 chiếu trên Netflix toàn cầu có nhiều cái tên Việt trong khâu kỹ xảo của phim. Và đặc biệt khi một số bộ phim được chiếu gần đây có doanh thu lớn cho thấy tín hiệu vui đã đến với điện ảnh Việt Nam.

“Em và Trịnh” thu hút sự chú ý của khán giả.

“Em và Trịnh” thu hút sự chú ý của khán giả.

Sau thời gian dài “ế ẩm”, đến nay nhiều nhà phê bình điện ảnh trong nước cho rằng phim Việt đã vào thời điểm “quay xe”. Với dự án phim “Người vợ cuối cùng”, đạo diễn Victor Vũ cho biết, bộ phim cổ trang này sẽ kể một câu chuyện tình cảm, tâm lý dựa trên bối cảnh Việt Nam thời xưa, nhưng vẫn gần gũi với người xem thời nay.

Nhân tài không thiếu

Sự kết hợp lần đầu của Kaity Nguyễn cùng đạo diễn Victor Vũ trong “Người vợ cuối cùng” đem đến nhiều bất ngờ. Từ trước đến nay, Victor Vũ là một trong những đạo diễn hiếm hoi không chuộng việc lựa chọn “ngôi sao phòng vé” cho những tác phẩm của mình.

“Kaity rất hợp với vai nữ chính của Người vợ cuối cùng - một cô gái tuy còn trẻ và có vẻ mong manh, nhưng khi đứng trước thử thách, cô rất quyết liệt và sẵn sàng chiến đấu đến cùng” - đạo diễn Victor Vũ cho biết.

“Người vợ cuối cùng” dự kiến khởi chiếu trong năm 2023.

Còn về việc người Việt xuất hiện trong khâu kỹ xảo hậu trường (VFX) các phim quốc tế cũng không phải chuyện mới lạ, nhưng đây vẫn là tín hiệu vui cho thấy các hãng kỹ xảo Việt dần được nhà sản xuất quốc tế tin tưởng. Tập 14 của phim “Glory” 2 có sự tham gia khâu VFX từ các thành viên Việt Nam thuộc Synapse Studio VN, một công ty hoạt động từ năm 2022. Cùng đó, tên người Việt còn xuất hiện ở một số bộ phim nước ngoài khác, đặc biệt là phim “Money Heist: Korea - Joint Economic Area” (Phi vụ triệu đô). Đây là tác phẩm được đầu tư lớn, kỹ xảo hình ảnh của các cảnh bắn tỉa, nổ bom, rượt đuổi…

Hiện nay, các hãng VFX tại Việt Nam cũng đã “trưởng thành”, trong đó nổi lên là Sparx* đã gia nhập Tập đoàn Virtuos - một trong những công ty sản xuất nội dung kỹ thuật số lớn của thế giới. Theo nhà biên kịch Đông Hoa, việc nhiều cái tên Việt xuất hiện ở hậu kỳ của nhiều phim dài tập, điện ảnh thế giới là tín hiệu vui cho thị trường điện ảnh chung, cũng như riêng với Việt Nam.

Nhiều năm trước, phim Việt thường phải sang các nước lân cận như Thái Lan để làm hậu kỳ, kỹ xảo thì những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất tin tưởng, chọn những hãng làm hậu kỳ, kỹ xảo có sẵn trong nước. Trong đó, các phim: “Tấm Cám chuyện chưa kể”, “Hai Phượng”, “Mắt biếc”, “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Chuyện ma gần nhà”, “Thanh Sói: Cúc dại trong đêm”… đều có sự đầu tư về VFX và được đánh giá khá tốt.

Phim Việt “nghìn tỷ”, tại sao không?

Mới đây việc phim “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành doanh thu gần 500 tỷ đồng cho thấy phim Việt hoàn toàn có khả năng ra rạp và đem lại lợi nhuận cao cho nhà sản xuất.

3 năm từ 2020 đến 2022, phim Việt ảm đạm, cũng không chỉ do đại dịch Covid-19. Nhưng từ đầu năm đến nay, một số phim Việt khi ra rạp đã có doanh thu lớn. Cùng với “Nhà bà Nữ”, phim “Chị chị em em 2” cũng đã thu được hơn 117 tỷ đồng. “Thành tích đột biến” của 2 bộ phim kể trên phần nào đã giúp các nhà làm phim khôi phục niềm tin rằng khán giả trong nước vẫn ủng hộ những sản phẩm điện ảnh nội địa nếu nó được làm tốt, chỉn chu và biết lắng nghe tiếng nói của công chúng.

Dân số nước ta đã chạm ngưỡng 100 triệu, trong đó một nửa ở độ tuổi từ 10 trở lên chính là đối tượng có thể ra rạp xem phim. Nếu mỗi khán giả mua 1 vé, như vậy một bộ phim có thể bán tối đa 50 triệu vé. Nếu như “Nhà bà Nữ” mới bán 5 triệu vé thì cũng chỉ bằng 1/10 sức mua tối đa, nhưng đã có doanh thu gần 500 tỷ đồng, nghĩa là chỉ cần gấp đôi số vé bán ra là chạm ngưỡng 1000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó là cách tính số học đơn thuần, vì không thể “đếm cua trong lỗ”, mà doanh thu phim ảnh còn cần rất nhiều yếu tố khác.

Từ góc độ đơn vị phát hành, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung CJ CGV Việt Nam cho rằng, thị trường điện ảnh đang trong giai đoạn phục hồi. Số lượng khán giả ra rạp ủng hộ phim Việt đông đảo là tín hiệu khả quan cho thấy khán giả vẫn dành sự ủng hộ cho rạp phim, đặc biệt là các tác phẩm phim Việt có chất lượng tốt.

Tới nay, năm 2019 được xem là năm đỉnh cao của thị trường điện ảnh Việt Nam, với tổng cộng 44 phim ra rạp, đem lại doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng. Dữ liệu này cho thấy, việc “dọn đường” cho một bộ phim “nghìn tỷ” của điện ảnh Việt gần đây cho thấy cũng không phải là không có cơ sở. Giới chuyên môn nhấn mạnh, với sự nỗ lực từ phía nhà nước và các nhà làm phim, các nhà đầu tư, nhà sản xuất thì vươn tới mốc doanh thu nghìn tỷ đồng là khả thi trong tương lai gần.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm:

Chúng ta có quyền kỳ vọng

Theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, trong quá khứ, điện ảnh Việt Nam có khá nhiều bộ phim gây tác động về mặt xã hội theo hướng tích cực, như “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Mùa ổi”, “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Những tác phẩm điện ảnh ấy mang đến suy nghĩ về thân phận con người, về văn hóa Việt Nam. Hay như những bộ phim của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng: “Mùi đu đủ xanh”, “Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng” đã đánh thức cảm quan về cái đẹp. Bộ phim “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay “Song Lang” của đạo diễn Leon Lê, khi xem xong khiến chúng ta thấy yêu Việt Nam quá…

Ngọc Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phim-viet-nhung-tin-hieu-khoi-sac-5715189.html