Phim Việt sẽ lặp lại lịch sử phòng vé Trung Quốc mùa Tết 2020?

Bốn bộ phim Việt dự kiến cùng ra rạp mùng 1 Tết Tân Sửu đang lao đao do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19.

Trạng Tí phiêu lưu ký, Gái già lắm chiêu V, Bố già Lật mặt: 48H là những tựa phim Việt dự kiến ra rạp trong mùa phim Tết Tân Sửu. Tuy nhiên, do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, kế hoạch này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Ngày 2/2, Gái già lắm chiêu V là cái tên đầu tiên tuyên bố rút khỏi đường đua phim Tết, tìm kiếm một thời điểm phát hành khác phù hợp hơn. Tiếp đến, Lật mặt: 48H thông báo hủy kế hoạch chiếu họp báo, nhưng vẫn giữ nguyên kế hoạch ra mắt mùng 1 Tết.

Phim Tết Việt đang rơi vào kịch bản chưa từng có

Rút phim Tết khỏi rạp khi xuân mới đã cận kề là việc chưa từng xảy ra ở Việt Nam, nhưng đã có tiền lệ ở Trung Quốc. Tết Nguyên đán 2020, cả 7 bộ phim Tết của nước này đều bị hủy chiếu khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán.

 Lost in Russia của nhà làm phim Từ Tranh lựa chọn cách phát hành trực tuyến sau khi không thể ra rạp. Ảnh: ByteDance.

Lost in Russia của nhà làm phim Từ Tranh lựa chọn cách phát hành trực tuyến sau khi không thể ra rạp. Ảnh: ByteDance.

Chùm phim bị hủy chiếu bao gồm: Detective Chinatown 3, Lost in Russia, Vanguard, The Rescue, Leap và hai phim hoạt hình Legend Of Deification, Boonie Bears: The Wild Life.

Đây đều là tác phẩm kinh phí lớn, đa dạng thể loại và quy tụ dàn sao Hoa ngữ hùng hậu như Thành Long, Củng Lợi, Vương Bảo Cường, Từ Tranh, Bành Vu Yến…

Trong nhiều năm trở lại đây, mùa phim Tết Nguyên đán tại Trung Quốc đã soán ngôi Giáng sinh và năm mới ở Bắc Mỹ, trở thành mùa phim lễ hội có doanh thu cao nhất.

Trong khoảng 10 ngày Tết, các bộ phim Hoa ngữ có thể thu về hơn 1 tỷ USD, ngang bằng thành tích mùa phim hè của Hollywood tại Bắc Mỹ.

Vì không thể phát hành tác phẩm mới, lại bị đóng cửa rạp chiếu để phòng dịch, doanh thu phim Tết 2020 tại Trung Quốc, vốn được dự báo rơi vào khoảng 1,5 tỷ USD, chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Để thoát cảnh lao đao, nhiều nhà sản xuất buộc phải tìm lối thoát khác cho đứa con tinh thần của mình.

Người đưa ra quyết định sớm nhất là Từ Tranh, ông vua mới của phòng vé Trung Quốc những năm gần đây với thành công của loạt Lost in Thailand (2012) và Lost in Hong Kong (2015). Covid-19 khiến Lost in Russia - phần 3, cũng là phần cuối của loạt phim - ngừng ra rạp.

Do chủ đề phim liên quan đến Tết, và không thể đợi tới 2021, Từ Tranh quyết định đưa Lost in Russia lên nền tảng trực tuyến. Động thái này đã gây ra tranh cãi lớn. Trong khi khán giả đánh giá cao quyết định của Từ Tranh, giới phát hành chỉ trích nhà làm phim đã gây thiệt hại lớn cho phòng vé và ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc.

Ba bộ phim tiếp theo bị lùi thời điểm phát hành sang Tuần lễ vàng (kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc) là phim hoạt hình Legend Of Deification, phim hành động hài Vanguard của Thành Long và Leap có Củng Lợi đóng chính. Doanh thu cả ba tác phẩm đều thấp hơn nhiều lần so với kỳ vọng.

Legend Of Deification có doanh thu hơn 200 triệu USD, chỉ bằng 1/3 so với Na Tra - Ma đồng giáng thế. Có thể chất lượng không như mong đợi là lý do chính khiến doanh thu phim sụt giảm. Nhưng không thể phủ nhận việc dời lịch phát hành cũng tác động không nhỏ đến kết quả này.

Vanguard của đạo diễn Đường Quý Lễ, dù được quảng bá rầm rộ, nhấn mạnh vào vụ tai nạn đuối nước khi quay khiến Thành Long suýt mất mạng, cuối cùng chỉ nhận lại thờ ơ từ khán giả. Phim trở thành bom xịt lớn nhất trong sự nghiệp của ngôi sao hành động hài. Nhiều người cho rằng thời hoàng kim của Thành Long đã chính thức khép lại sau Vanguard.

Nhờ màn lột xác của Củng Lợi trong vai một huấn luyện viên nữ nghiêm khắc nhưng tận tụy với học trò, Leap được giới phê bình đánh giá tích cực. Phim được chọn đại diện cho điện ảnh Trung Quốc tranh giải Oscar, nhưng thành tích phòng vé cũng không mấy khả quan.

Ba bộ phim còn lại, gồm Detective Chinatown 3, The RescueBoonie Bears: The Wild Life lùi lại đúng một năm. Chùm phim gia nhập cuộc đua tại phòng vé Tết 2021 tại Trung Quốc với 9 tác phẩm khác.

Quá nhiều tựa phim cùng chia nhau một miếng bánh doanh thu, cộng với tâm lý đề phòng của khán giả khi Covid-19 chưa được kiểm soát và sự lên ngôi của các nền tảng chiếu phim trực tuyến khiến giới phân tích Trung Quốc đánh giá các phim chiếu Tết 2021 khó lặp lại thành tích huy hoàng như trước đây.

Mùa phim Tết chất lượng nhất nhưng cũng "thê lương" nhất?

Mùa phim Tết Tân Sửu của điện ảnh Việt có sự góp mặt của bốn tựa phim kinh phí lớn. Hai trong số đó, Trạng Tí phiêu lưu kýLật Mặt: 48H bị lùi ngày phát hành từ đầu hè do Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Các tựa phim được ấn định từ đầu cho mùa phim Tết gồm Bố giàGái già lắm chiêu V.

 Phần mới Lật mặt của Lý Hải đã bị lùi lịch chiếu từ Tết Độc lập 2020 tới Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Ly Hai Production.

Phần mới Lật mặt của Lý Hải đã bị lùi lịch chiếu từ Tết Độc lập 2020 tới Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Ly Hai Production.

2021 được đánh giá là mùa phim Tết mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây của điện ảnh Việt. Chùm phim cho thấy các nhà sản xuất đã tính toán và có chiến lược rõ ràng.

Điều thay đổi đầu tiên, có thể nhận rõ là thể loại. Bốn bộ phim là bốn thể loại khác nhau, nhắm đến các đối tượng khán giả riêng. Bố già khai thác câu chuyện đời thường, xảy ra trong một khu phố nhỏ ở TP.HCM. Phim phát triển từ thương hiệu web-drama gây tiếng vang năm ngoái.

Tên tuổi của Trấn Thành, danh tiếng series dài tập và chất liệu gần gũi là các điểm cộng của Bố già, khiến phim chiếm ưu thế trong cuộc đua phòng vé Tết Tân Sửu.

Lật mặt: 48H được bảo chứng bởi tên tuổi của Lý Hải và chất hài hành động “không đụng hàng” của anh. Loạt phim vẫn duy trì được sức hút dù chất lượng điện ảnh chỉ ở mức trung bình khá. Thành công của ba phần trước khiến Lật mặt: 48H cũng được xem là ứng cử viên sáng giá mùa phim Tết.

Gái già lắm chiêu V đánh vào sự xa hoa của giới nhà giàu. Những cuộc đời vương giả được đầu tư kinh phí 46 tỷ đồng nhờ thành công lớn trong mùa phim Tết năm ngoái.

Và cuối cùng, Trạng Tí phiêu lưu ký, phim phiêu lưu giả tưởng được chuyển thể từ bộ truyện Thần Đồng đất Việt. Đây là tác phẩm hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây nhắm tới đối tượng thiếu niên, nhi đồng - thường bị "bỏ quên" trong mùa phim Tết.

Phim được đầu tư kinh phí lớn và bảo chứng thành công bởi tên tuổi nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Tuy nhiên, những tranh cãi không hồi kết xung quanh chuyện bản quyền và làn sóng tẩy chay trên mạng khiến tương lai phim này trở nên khó đoán định.

Tuy nhiên, cuộc đua phim Tết, với kỳ vọng phục hồi thị trường điện ảnh Việt đang giảm sâu vì dịch Covid-19, một lần nữa bị "đánh úp" bởi dịch bệnh. Covid-19 bùng phát trở lại chỉ 10 ngày trước khi cả 4 bộ phim sẵn sàng xuất quân.

Nguy cơ 300 tỷ đồng tan theo Covid-19

Dù đã lên kế hoạch quảng bá rầm rộ trước đó, nhưng vì Covid-19, lần lượt bốn bộ phim phát hành dịp Tết Tân Sửu đều thông báo hủy sự kiện ra mắt tại TP.HCM và Hà Nội. Ngày 2/2, nhà sản xuất và đạo diễn của Gái già lắm chiêu V cũng thông báo rút bộ phim khỏi lịch phát hành Tết.

 Ngày 2/2, Gái già lắm chiêu V chính thức rời đường đua phim Tết Tân Sửu. Ảnh: Mar6.

Ngày 2/2, Gái già lắm chiêu V chính thức rời đường đua phim Tết Tân Sửu. Ảnh: Mar6.

Ba bộ phim còn lại: Bố già, Trạng TíLật mặt: 4H vẫn chưa có thông báo chính thức. Khán giả, và cả sản xuất vẫn đang nín thở, hồi hộp dõi theo những diễn biến mới của dịch Covid-19 tại Việt Nam để đưa ra quyết định tiếp tục phát hành hay lùi lịch. Tuy nhiên, khoảng thời gian suy nghĩ dành cho ba ê-kíp đang cạn dần.

Trước tình thế nghìn cân treo sợi tóc, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV cho biết: “Với tư cách một nhà phát hành, chúng tôi vẫn mong muốn được giữ các phim Tết để phục vụ nhu cầu giải trí cho khán giả. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng lại thuộc về nhà sản xuất.

Cả nhà sản xuất và nhà phát hành đều theo dõi sát sao diễn biến thực tế dịch bệnh để từ đó có những quyết định phù hợp trên tinh thần an toàn phòng chống dịch bệnh”.

Ông Hải cũng cho biết theo ước tính của CGV, trong điều kiện bình thường, doanh thu hai tuần phim Tết năm nay sẽ rơi vào khoảng từ 250 đến 300 tỷ đồng, thậm chí cao hơn nếu chất lượng các bộ phim tốt và thu hút được khán giả.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, rất khó để dự báo doanh thu của các phim chiếu Tết, bởi nó còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh trên cả nước. Trong trường hợp xấu nhất khi tất cả 4 phim đều hủy chiếu, doanh thu phim Tết sẽ giảm gần về 0.

Sau một năm 2020 doanh thu ảm đạm (giảm hơn 50% so với năm 2019), loạt tác phẩm ra mắt trong tháng 1 cũng liên tục thua lỗ. Ông Hải cho rằng bốn phim Việt ra rạp Tết Tân Sửu có nhiều ưu điểm, và đạt chất lượng tốt nhất trong các mùa phim Tết tại Việt Nam.

Nếu được khởi chiếu đúng như dự kiến, đây là một khởi đầu quan trọng để kích cầu và tạo bước đệm cho một năm đột phá của điện ảnh Việt và nâng cao thị phần phim quốc nội. Nhưng dự định ấy đang đứng trước thử thách lớn lao.

Khi được hỏi nếu cả bốn phim Việt đều bị hủy trong dịp Tết, CGV có phát hành phim quốc tế không, ông Hải cho biết họ vẫn có những bộ phim chất lượng khác từ điện ảnh quốc tế để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Tuy nhiên, doanh số có thể sụt giảm đến 80% so với dự kiến.

Lê Hồng Lâm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phim-viet-se-lap-lai-lich-su-phong-ve-trung-quoc-mua-tet-2020-post1180643.html