Phó bí thư TP.HCM lý giải việc chậm bồi thường cho dân Thủ Thiêm
'Nhỡ sai một lần rồi nên phải làm cho thật đúng. Nhiều người bị xử lý nên anh em cũng có thái độ chim đau sợ cành mềm. Làm không biết có sai gì nữa không', Phó bí thư TP.HCM nói.
Sáng 26/6, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 1 gồm Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM; Bí thư quận 9 Lâm Đình Thắng tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4 sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Trong 19 ý kiến cử tri chất vấn các đại biểu, nhiều người yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bồi thường cho dân Thủ Thiêm để họ sớm ổn định cuộc sống.
"Chim đau sợ cành mềm"
Trả lời câu hỏi của cử tri về khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phó bí thư Trần Lưu Quang thừa nhận quá trình khắc phục và xử lý sai phạm ở Thủ Thiêm còn rất chậm.
"Phải nói đầu tiên về trách nhiệm như một lời nhận khuyết điểm và xin lỗi vì quá trình xử lý Thủ Thiêm làm rất chậm", ông Quang nói.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM lý giải nguyên nhân chậm trễ là do các vấn đề ở Thủ Thiêm đã hơn 20 năm, rất nhiều việc khó, nhiều hồ sơ không còn. Pháp luật cũng thay đổi nhiều, có những việc xét theo trước kia là làm đúng nhưng bây giờ là sai.
Ông Quang cho biết khối lượng công việc liên quan đến Thủ Thiêm phải xử lý là rất nhiều do liên quan nhiều ngành và phải có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương. Hiện, những công việc thuộc trách nhiệm của thành phố cơ bản đã xong, việc còn lại thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành và Chính phủ.
"Nhỡ sai một lần rồi nên phải làm cho thật đúng. Nhiều người bị xử lý nên anh em cũng có thái độ chim đau sợ cành mềm. Làm không biết có sai gì nữa không, có bị kỷ luật, bị tù tội không", ông Quang chia sẻ. Ông Quang khẳng định tinh thần chung là có sai phải có xử lý, đúng người, đúng khuyết điểm và nhìn nhận rõ để khắc phục.
Phó bí thư Thành ủy nói thêm rằng các cử tri không nên có góc nhìn phiến diện về Thủ Thiêm mà nên nhìn nhận cả những thành tựu mà thành phố đã nỗ lực. Người dân có thể kỳ vọng về một đô thị rất đẹp ở gần quận 1 với đầy đủ các khu dân cư, nhà hát, quảng trường... Nếu chỉ nhìn điểm tệ hại, điểm xấu là không công bằng.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) nhắc đã 2 năm kể từ khi Thanh tra Chính phủ có báo cáo thanh tra vụ Thủ Thiêm vào tháng 7/2018. "Đã đến lúc phải đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân, giải quyết dứt điểm vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm, chậm nhất là cuối năm 2020. Nếu không, chúng ta có lỗi lớn với những mảnh đời bất hạnh ấy", cử tri Châu nêu ý kiến.
Cử tri thắc mắc kết quả thanh tra giá điện
Cử tri Nguyễn Văn Phú (quận 1) nêu lại tháng 5/2019, Thủ tướng ra quyết định đề nghị thanh tra EVN và cho hẹn sau 45 ngày có kết quả. 4 tháng sau, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng cho kéo dài thời gian thanh tra và công bố kết quả vào quý III/2019. Cử tri Phú nhấn mạnh đến nay đã gần hết quý II/2020 nhưng vẫn chưa thấy công bố kết quả thanh tra.
"Vậy Quốc hội có biết nguyên nhân tại sao chậm có kết luận thanh tra không?", cử tri Phú hỏi và cho biết ông không hài lòng việc áp dụng tính giá điện 6 bậc và đề nghị EVN tính đủ, tính đúng giá điện nhập vào và bán ra, không đưa các khoản đầu tư khác vào hạch toán giá điện.
Cùng thắc mắc về ngành điện, cử tri Trần Quốc Hùng (quận 3) nêu lại tháng 5/2019, Thủ tướng đã đề nghị làm bảng giá điện mới theo xu hướng giảm bậc thang. "Tôi nghe thông tin ngành điện cũng như Bộ Công Thương đã lập bảng giá mới với 5 bậc nhưng không hiểu sao chưa thực hiện", cử tri Hùng chất vấn.
Trả lời cử tri về vấn đề này, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang lý giải lập luận của việc tăng giá điện là do giá điện Việt Nam so với thế giới còn rất thấp. Ông Quang phân tích giá điện thấp dựa trên 2 lý lẽ.
Thứ nhất, giá điện rẻ so với khu vực nên Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài bởi giá điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản xuất. Thứ hai, thu nhập người dân Việt Nam chưa cao nên việc tính giá điện bằng nước ngoài là không hợp lý.
"Nói đi phải nói lại, nếu giá điện thu giống hàng xóm thì bà con chịu không nổi nhưng thu vậy hoài thì về lý lẽ, Nhà nước đang bù lỗ cho ngành điện. Vậy nên về lâu dài phải tiệm cận với giá thế giới. Đây là câu chuyện hai mặt nên bà con chia sẻ", ông Quang giải thích.
Về những ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến ngành điện, tổ đại biểu Quốc hội cho biết đã ghi nhận và gửi các ý kiến này đến ngành có chức năng.