PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI ĐÔN TUẤN PHONG TIẾP ĐOÀN NGHỊ SĨ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
Sáng 12/01, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Đức tiếp Đoàn nghị sĩ CHLB Đức do nghị sĩ Tino Chrupalla, Chủ tịch Đảng 'Sự lựa chọn khác vì nước Đức' (AfD) làm Trưởng đoàn nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Hai bên hy vọng thời gian tới Quốc hội hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện thông qua trao đổi đoàn cấp cao, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh.
Cùng dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý và lãnh đạo Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội.
Vui mừng được gặp Đoàn Nghị sĩ của Đảng AfD sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong nhận thấy, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời khẳng định, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu và trên thế giới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho biết, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2011 và mối quan hệ này đã thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Quan hệ chính trị giữa hai nước rất chặt chẽ và có mức độ tin cậy cao. Việc trao đổi đoàn, nhất là trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên. Về phía Đức, gần đây nhất, Thủ tướng Đức thăm Việt Nam vào tháng 11 năm 2022. Về phía Việt Nam, có rất nhiều đoàn cũng sang thăm Đức trong thời gian qua, điều đó thể hiện mối quan hệ chính trị thường xuyên và chặt chẽ giữa hai nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuân Phong hy vọng Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ có chuyến thăm chính thức CHLB Đức trong tương lai.
Về quan hệ giữa hai Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong đề nghị Quốc hội hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện ở cấp Liên bang và các bang thông qua trao đổi đoàn, duy trì tiếp xúc kênh Nghị sĩ hữu nghị; tăng cường trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện, đặc biệt là hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh các hình thức trao đổi trên kênh nghị sĩ trong khuôn khổ song phương và đa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho biết, Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm NSHN Việt Nam - Đức và ông Hoàng Anh Công là Phó Chủ tịch Nhóm. Đồng thời nêu rõ, trong năm 2024, Nhóm NSHN Việt Nam - Đức sẽ có kế hoạch thăm và làm việc tại Đức.
Về quan hệ hai nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong khẳng định, trong tổng thể quan hệ giữa hai nước ở cả cấp trung ương và cấp liên bang, Quốc hội Việt Nam có quan hệ chặt chẽ giữa Nghị viện Đức và Nghị viện các liên bang, đồng thời thường xuyên giữ mối liên hệ với Nghị viện các bang, trong đó có bang đã thành lập nhóm NSHN với Việt Nam. Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong hy vọng thời gian tới hai bên sẽ thúc đẩy thành lập Nhóm NSHN Đức - Việt Nam tại Quốc hội Đức nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa Quốc hội hai nước.
Về quan hệ kinh tế - thương mại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức ở Đông Nam Á và là bạn hàng lớn thứ 7 của Đức ở châu Á. Việt Nam xuất khẩu sang Đức nhiều mặt hàng có thế mạnh và ngược lại cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh của Đức. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi, các thương hiệu lớn của Đức đã có mặt ở Việt Nam và làm ăn kinh doanh hiệu quả. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong mong muốn hai bên sẽ trao đổi, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), phê chuẩn và triển khai Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Đề cập về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong khẳng định, hai nước đều có truyền thống hợp tác. Riêng về giáo dục là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hiện tại có trên 7000 sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình khác nhau tại Đức. Đại học Việt - Đức là một điểm nhấn rất sáng trong quan hệ hợp tác mà hai bên thường gọi là dự án Hải đăng, hàng năm đào tạo gần 5000 sinh viên. Các chương trình đào tạo của trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đánh giá rất cao. Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế tài chính riêng cho Đại học Việt - Đức. Điều này cũng thể hiện sự đánh giá cao và cam kết của Chính phủ Việt Nam. Và tiếng Đức đã được giảng dạy như một ngoại ngữ ở nhiều cơ sở của Việt Nam với khoảng 25 cơ sở trên cả nước cùng 2800-3000 học sinh, sinh viên.
Nhấn mạnh đào tạo dạy nghề cũng là một lĩnh vực rất quan trọng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nêu rõ, Việt Nam đánh giá rất cao mô hình đào tạo nghề kép của Đức. Cùng với các chương trình đào tạo nghề khác nhau, hàng năm, lao động đào tạo tay nghề cao của Việt Nam đã sang làm việc tại Đức. Ngoài lĩnh vực tiềm năng này hai bên có thể mở rộng trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong hy vọng hai bên có thể hợp tác ở các lĩnh vực khác như lĩnh vực quốc phòng và an ninh, phối hợp hợp tác tại các diễn đàn đa phương. Tất cả các lĩnh vực hợp tác trong thời gian qua đã thể hiện quan hệ Việt Nam - CHLB Đức tin cậy, hiệu quả và bền vững.
Vui mừng khi được đến thăm Nhà Quốc hội, nghị sĩ Tino Chrupalla, Chủ tịch Đảng “Sự lựa chọn khác vì nước Đức” (AfD) và các thành viên trong Đoàn mong muốn tìm hiểu mối quan hệ chung về đất nước và con người Việt Nam. Khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam đối với Đức và tại khu vực, nghị sĩ Tino Chrupalla nhận thấy, Việt Nam là mỏ neo rất quan trọng trong chính sách an ninh và đối ngoại của Đức tại khu vực Đông Nam Á. Ông Tino Chrupalla nhấn mạnh quan hệ giữa CHLB Đức và Việt Nam đã có từ lâu đời, đến nay, quan hệ hai nước rất tốt đẹp, đặc biệt là quan hệ kinh tế. Dựa trên mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, lâu đời đó, nghị sĩ Tino Chrupalla mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực, kinh tế, thương mại… vì một tương lai phát triển tốt đẹp và vì hòa bình.
Nhận thấy đào tạo nghề là lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm và mong muốn hợp tác trong lĩnh vực này, nghị sĩ Tino Chrupalla vui mừng khi Hệ thống đào tạo nghề song hành được Việt Nam công nhận và áp dụng tại Việt Nam. Chủ tịch Đảng “Sự lựa chọn khác vì nước Đức” (AfD) cũng hy vọng hệ thống này sẽ đào tạo được nhiều nhân lực chuyên môn và có tay nghề cao. Đồng thời mong muốn có thêm nhiều học bổng để hỗ trợ cho khoảng 7000 sinh viên theo học tại Đức và khuyến khích nhiều sinh viên học nghề và đào tạo tại Đức.
Ghi nhận mong muốn, đề xuất của phía Việt Nam cũng như ủng hộ việc thành lập Nhóm NSHN hai nước, nghị sĩ Tino Chrupalla nhấn mạnh, Quốc hội Đức mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Quốc hội Việt Nam cũng như tăng cường trao đổi với Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Đức; đề nghị thời gian tới hai bên cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ cấp địa phương phát triển hơn nữa, tiêu biểu như quan hệ lâu đời giữa Việt Nam với thành phố Leipzig.
Một số hình ảnh tại cuộc tiếp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83968